Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ phát triển mô hình kinh tế vườn rừng

08:21, 04/11/2024

Nhiều nông dân huyện Krông Ana có xu hướng phát triển các mô hình sản xuất cà phê theo hướng bền vững, thuận tự nhiên, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập.

Năm 2015, sau khi tích cóp được một số vốn nhỏ, anh Vũ Mạnh Đường trở về thôn 1 (thị trấn Buôn Trấp) để thực hiện ý tưởng phát triển cà phê sinh thái vườn rừng. Thời điểm đó, cà phê "thuận tự nhiên" chưa được nhiều người biết đến, hơn nữa việc đột ngột không phun thuốc, bón phân hóa học… làm giảm năng suất của cây cà phê nên anh chưa được gia đình tin tưởng và chỉ cho làm thử trên diện tích 5 sào.

Để diện tích này phát triển có hiệu quả, anh tham gia học thêm nhiều lớp học ngắn hạn về sản xuất, chế biến cà phê thuận tự nhiên, mô hình cà phê sinh thái vườn rừng… tại tỉnh Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, 2 năm sau anh được gia đình tin tưởng giao 2 ha đất trồng cà phê để thực hiện mô hình cà phê sinh thái vườn rừng mang tên Mạnh Đường Farm.

Cà phê sau thu hoạch của anh Vũ Mạnh Đường (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).

Bên cạnh tuyệt đối không phun thuốc, bón phân hóa học mà chuyển qua sử dụng các loại phân bón hữu cơ như đạm cá tự ủ, phân bò…, anh Đường còn trồng xen nhiều loại cây như bơ, sầu riêng, hồ tiêu, vải thiều, muồng, đinh lăng, gừng… tạo ra một hệ sinh thái phong phú với hơn 40 loại cây khác nhau. Tất cả các loại cây này đều mang lại nguồn lợi kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ cho cây cà phê phát triển tốt.

Theo anh Đường tìm hiểu, cà phê là loại cây ưa bóng, khi có một tầng cây che bóng sẽ giúp cà phê tránh ánh nắng mạnh trực tiếp, qua đó cà phê không chín sớm, lượng đường trong quả đạt mức cao nhất. Đồng thời, lớp cây thảm bề mặt giúp tạo độ ẩm, tiết kiệm nước tưới trong quá trình chăm sóc. Anh Đường cho biết, vì trồng xen nhiều cây, lại cắt giảm lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học khiến cho cây trồng chính là cà phê bị giảm năng suất từ 20 - 50% (còn gần 9 tạ cà phê nhân/2 ha). Đổi lại, sau gần 9 năm phát triển cà phê sinh thái vườn rừng, cà phê của anh được các chuyên gia thử nếm trong và ngoài nước đánh giá cao. Năm 2020, sản phẩm đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản, được khách hàng ưa chuộng và bán với giá cao. Bên cạnh đó, mỗi tháng Mạnh Đường Farm được nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến để tham quan, học hỏi.

Năm 2017, anh Trần Hữu Quả cùng vợ về buôn Cuê (xã Băng Adrênh) để lập nghiệp với diện tích 1,5 ha cà phê già cỗi do bố mẹ để lại. Ban đầu, anh Quả chặt bỏ một số diện tích cà phê năng suất thấp để trồng rau màu, tái canh cà phê, trồng xen thêm hồ tiêu, nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Vườn của anh Trần Hữu Quả (buôn Cuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) trồng đa dạng nhiều loại cây khác nhau.

Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, anh Quả ấp ủ ý tưởng phát triển diện tích hiện có thành một khu vườn, với đa dạng sản phẩm. Nghĩ là làm, anh Quả để diện tích vườn của gia đình phát triển thuận tự nhiên như một khu rừng có nhiều tầng tán và trồng xen thêm hồ tiêu, mãng cầu, khoai, nghệ, sa chi, mướp, chuối, chanh dây…

Anh Quả cho hay, hiện sản lượng cà phê của gia đình anh giảm trên 50% so với trước đây, nhưng bù lại anh có thêm nguồn thu nhập quanh năm từ các loại cây trồng khác trong vườn. Bên cạnh đó, gia đình anh còn phát triển thêm nhiều sản phẩm khác thu hoạch trong vườn như trà mãng cầu, búp ổi, xạ đen, tầm gửi, lạc tiên… Tuy các sản phẩm có số lượng còn hạn chế, giá bán cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường nhưng vẫn được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, đặt mua. Cũng nhờ vậy mà thu nhập của gia đình anh Quả đã cao hơn so với trước đây.

Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi mô hình kinh tế vườn rừng, hiện nay các mô hình trên đều phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, trở thành hướng đi mới cho nhiều nông dân trên địa bàn học tập.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.