Lãi suất huy động bất ngờ tăng “nóng”: Áp lực mùa tín dụng cuối năm
Bước vào mùa tín dụng cuối năm, hàng loạt ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động khiến nhiều người lo lắng về khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng theo.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động
Từ đầu tháng 11 đến nay, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất cập nhật ngày 28/11, lãi suất huy động kỳ hạn từ 18 tháng ở nhiều ngân hàng TMCP tư nhân đã vượt mốc 6%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) có mức lãi suất huy động kỳ hạn từ 18 tháng là 6,05%/năm; Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank) 6%/năm; Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) 6,1%/năm; Ngân hàng TMCP MTV Dầu khí toàn cầu (GPBank) 6,05%; Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) 6,1%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank) 6%/năm. Hầu hết các ngân hàng TMCP còn lại đều có mức lãi suất huy động kỳ hạn từ 18 tháng cũng tiệm cận mức 6%/năm.
Riêng nhóm ngân hàng TMCP nhà nước, lãi suất huy động vẫn đang ổn định dưới 5%/năm. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), so với tháng trước, khung lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng doanh nghiệp vẫn được duy trì trong khoảng 1,6 - 4,2%/năm, hình thức trả lãi cuối kỳ.
Cụ thể, lãi suất cho hai kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng là 1,6%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng tiếp tục được ấn định lãi suất không đổi là 1,9%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng là 2,9%/năm; kỳ hạn 12 - 60 tháng, lãi suất ngân hàng này ưu đãi nhất đang được triển khai là 4,2%/năm. Trong nhóm ngân hàng TMCP nhà nước, từ đầu tháng 11 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất huy động, với mức tăng từ 0,2% - 0,5% cho kỳ hạn ngắn (1 - 11 tháng). Tuy nhiên, các kỳ hạn dài trên 12 tháng của Agribank vẫn giữ nguyên mức lãi suất.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thế Hùng |
Nguyên nhân khiến lãi suất huy động liên tiếp tăng, nhất là ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân được cho là do áp lực tăng cường vốn phục vụ nhu cầu tín dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thường có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm, đặc biệt là đối với các khoản vay ngắn hạn dành cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất và nhập khẩu hàng hóa phục vụ dịp Tết.
Nỗ lực ổn định lãi suất
Việc hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động sẽ có những tác động nhất định đến lãi suất cho vay. Đến nay chưa ghi nhận “làn sóng” tăng lãi suất cho vay nhưng nhiều khả năng sẽ có những điều chỉnh tăng từ phía các ngân hàng, nhất là ở những khoản vay ngắn hạn nhằm bù đắp chi phí vốn đầu vào.
Tại Công điện số 122/CĐ-TTg /2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục có chính sách tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. |
Trước những diễn biến của thị trường tín dụng, ngày 27/11, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 122/CĐ-TTg/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024. Trong công điện này, liên quan đến vấn đề lãi suất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. Tiếp tục nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Ngày 27/11, NHNN cũng đã ban hành Công văn số 9774/NHNN-CSTT về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay... để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục chủ động thực hiện công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có) trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng.
Đồng thời, tích cực chủ động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng về việc giảm lãi suất cho vay, công bố thông tin về lãi suất; thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng nắm bắt và tiếp cận chính sách của tổ chức tín dụng…
Theo đại diện NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, đến nay vẫn chưa có báo cáo nào cho thấy việc tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng trên địa bàn. Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ theo dõi sát diễn biến lãi suất; giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc triển khai chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN về giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc