Multimedia Đọc Báo in

“Mặc giáp” cho cau để chống... trộm

08:34, 05/11/2024

Sau một thời gian giá cau liên tục tăng cao, có thời điểm lên đến gần 100.000 đồng/kg thì hiện nay đã quay đầu giảm, thương lái huyện Cư Kuin đang thu mua với giá khoảng 60.000 đồng/kg (tùy loại), vẫn mang lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng.

Dù “sức nóng” của thị trường cau đã giảm nhưng tình trạng trộm cắp cau vẫn khá phức tạp, nhiều hộ nông dân huyện Cư Kuin phải "mặc giáp" cho cây để chống lại nạn trộm cắp.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bình (thôn 23, xã Ea Ning) có gần 300 cây cau hơn 6 năm tuổi. Bà Bình cho biết, vào năm 2020, khi giá cau gần chạm ngưỡng 60.000 đồng/kg, vườn cau nhà bà đã từng bị kẻ trộm đột nhập lấy trộm 4 buồng cau, mỗi buồng nặng khoảng 8 kg.

Vụ mùa năm nay, gia đình bà phải quấn dây thép gai nhiều vòng quanh thân cây, quấn lên cao khoảng 2 - 3 m để… ngăn trộm. “Nhờ hàng rào dây thép gai, từ đầu mùa đến nay, gia đình tôi chưa bị trộm lấy mất buồng cau nào”, bà Bình chia sẻ.

Người dân trên địa bàn huyện Cư Kuin chủ động quấn thép gai quanh thân cây để bảo vệ những buồng cau tươi.

Gia đình ông Phan Xuân Hùng (thôn 3, xã Ea Tiêu) cũng có vườn cau hơn 200 cây. Theo ông Hùng, chỉ cần một chút sơ hở, kẻ xấu có thể cắt trộm vài buồng cau chỉ trong ít phút, gây thiệt hại cho nhà nông từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Vì vậy, để chống trộm, ông đã chủ động trang bị cho cây trồng những chiếc “áo giáp” đặc biệt.

Đối với những cây cau cao hơn 5 m, ông Hùng quấn kẽm gai quanh thân cây, tạo thành hàng rào bảo vệ kiên cố; những cây cau thấp hơn thì ông dùng lưới B40 quấn chặt quanh buồng cau. Ông còn đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình; phối hợp với hàng xóm thay phiên nhau đi tuần tra, kiểm tra các khu vực trồng cau xa khu dân cư.

Không chỉ bị trộm cau tươi, một số hộ còn bị trộm cây cau giống. Như gia đình bà Nguyễn Thị Tịnh (thôn 6, xã Ea Bhốk) mua 100 cây cau giống về trồng xen canh với các loại cây công nghiệp lâu năm và dọc bờ lô của gia đình. Tuy nhiên, sau hai ngày xuống giống, gia đình bà phát hiện hàng chục cây cau đã bị các đối tượng xấu nhổ trộm. Bà Tịnh cho hay, thời điểm bà mua cau giống có giá 12.000 đồng/cây; giá cau tươi tăng mạnh, khiến thị trường cây giống cũng có chiều hướng tăng theo. Đó cũng là lý do kẻ xấu trộm cắp cây giống mang về bán lại cho các vựa cây giống hoặc mang về trồng trong vườn nhà bởi cau là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc nên khi nhổ về, các đối tượng vẫn có thể trồng lại được.

Công an xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) tích cực tuyên truyền, phổ biến về những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp đến người dân trên địa bàn xã.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chanh (Công an xã Ea Tiêu) cho biết, vài tháng gần đây, đơn vị đã tiếp nhận nhiều tin báo của người dân về việc mất trộm cau. Qua quá trình xác minh, điều tra, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp cau là những người nghiện hút. Sau khi làm rõ, Công an xã đã xin ý kiến cấp trên để đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.

Để bảo đảm an ninh trật tự trong các mùa thu hoạch nông sản, lực lượng công an các cấp tại huyện Cư Kuin cũng đã tích cực tuyên truyền về những phương thức và thủ đoạn của kẻ trộm thông qua các buổi họp thôn, buôn, hệ thống loa truyền thanh, trang zalo... giúp người dân nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ tài sản của mình. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại những khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh giữa các xã, nhằm ngăn chặn các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.