Trên hành trình trở thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên
Với những đặc trưng về địa hình, khí hậu, Đắk Lắk có nhiều lợi thế để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Với “làn sóng” đầu tư về điện gió, điện mặt trời trong thời gian qua, cũng như dư địa lớn chưa được khai thác, vùng đất này đang hướng đến trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên trong tương lai.
Cánh đồng điện gió trên địa bàn huyện Krông Búk. Ảnh: M. Chi |
Khơi dòng điện từ nắng và gió
Với lợi thế của mình, Đắk Lắk có tiềm năng rất lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, 7 khu vực thuộc các huyện Krông Búk, Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ có vận tốc gió trung bình trên 6 m/s, tiềm năng kỹ thuật phát triển điện gió có thể đạt công suất khoảng 26.000 MW.
Để đáp ứng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tỉnh sẽ huy động nguồn lực kinh phí trên 25.000 tỷ đồng. Trong đó, tranh thủ tối đa các nguồn vốn Trung ương đầu tư, nhất là đầu tư các công trình hạ tầng truyền tải tại địa phương; quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội hóa một cách hiệu quả nhất cho lĩnh vực này. |
Đối với điện mặt trời, Đắk Lắk là địa phương có lượng nắng quanh năm rất lớn, nhất là các địa phương khu vực phía Tây và Tây Bắc như Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Đôn, cường độ bức xạ mặt trời 2.000 – 2.600 giờ/năm, có thể khai thác nguồn điện với sản lượng 4,9 – 5,7 kWh/m2/ngày. Đây là lợi thế lớn để phát triển điện mặt trời trên mặt đất, mặt nước với công suất đạt 125.000 MWp. Bên cạnh đó, là địa phương có thế mạnh về nông, lâm nghiệp, tỉnh Đắk Lắk có tiềm năng điện sinh khối khoảng 120 MW.
Từ cái nắng, cái gió, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã thu hút được những dự án lớn về năng lượng tái tạo. Cụ thể, tại huyện biên giới Ea Súp, nơi có số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất tỉnh đã có nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đang hoạt động. Đó là cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, gồm 5 nhà máy, tổng công suất 600 MW/831 MWp và trạm biến áp 500 kV/1.200 MVA, với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, sản lượng điện sản xuất 1,5 tỷ kWh/năm. Dự kiến, nhà đầu tư sẽ triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án gồm 10 nhà máy, tổng công suất 1.400 MW/1.936 MWp. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, dự án cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện khoảng 5 tỷ kWh/năm. Trên địa bàn huyện này cũng có nhà máy điện mặt trời Long Thành, công suất 50 MWp, tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, sản lượng điện khoảng 20 triệu kWh/năm. Giai đoạn 2 và 3 của dự án dự kiến được xây dựng với tổng công suất 300 MWp.
Tại huyện Krông Búk hiện có 4 dự án đang thực hiện, gồm: nhà máy điện gió Krông Búk 1 (công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.850 tỷ đồng), nhà máy điện gió Krông Búk 2 (50 MW, 1.867 tỷ đồng), nhà máy điện gió Cư Né 1 (50 MW, 2.209 tỷ đồng) và nhà máy điện gió Cư Né 2 (50 MW, 1.952 tỷ đồng). Các dự án này đã xây dựng hoàn thiện, đang hoàn tất những thủ tục còn lại để đưa vào vận hành khai thác thương mại. Bên cạnh đó còn có 1 dự án đang triển khai thủ tục đầu tư là nhà máy điện gió Buôn Hồ 1, công suất 20 MW và một số doanh nghiệp cũng khảo sát, lập dự án đầu tư thêm các dự án như điện tích năng, điện gió.
Việc đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần ổn định đời sống người dân. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo của tỉnh Đắk Lắk bổ sung nguồn điện ổn định cho hệ thống điện quốc gia khoảng 6,5 - 7,5 tỷ kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước. Ưu điểm của các nguồn năng lượng tái tạo là gần như không bị cạn kiệt và ít tác động tiêu cực đến môi trường so với những hình thức sản xuất điện khác.
Một góc cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp. Ảnh: M.Chi |
Thêm động lực cho năng lượng tái tạo
Theo đánh giá của Sở Công Thương, phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; việc đầu tư, xây dựng hạ tầng truyền tải còn chậm so với quy hoạch, kế hoạch phê duyệt, đặc biệt là trạm biến áp 500 kV và đường dây đấu nối để giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo; một số cơ chế chính sách của Trung ương chậm được ban hành nên chưa thực sự tạo được động lực thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 nhà máy thủy điện đang vận hành, phát điện thương mại, với tổng công suất lắp đặt khoảng 833 MW, năm 2023, sản lượng điện sản xuất đạt khoảng 4,1 tỷ kWh. Đối với điện mặt trời, có 10 dự án nối lưới (tổng công suất 1.024 MWp) và 5.379 hệ thống điện mặt trời mái nhà (650 MWp), năm 2023, sản lượng điện sản xuất đạt 2,2 tỷ kWh. Về điện gió, có 2 dự án (tổng công suất 428,8MW), năm 2023, sản lượng điện sản xuất đạt khoảng 0,78 tỷ kWh. |
Tỉnh Đắk Lắk đã có Nghị quyết số 14-NQ/TU về “Phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là định hướng quan trọng, mở ra những cơ hội to lớn cho sự phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh trong thời gian tới. Tỉnh đề ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đạt công suất 2.000 - 3.000 MW giai đoạn 2020 - 2025; 3.000 - 4.000 MW giai đoạn 2026 - 2030; đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Chính phủ phê duyệt, Đắk Lắk có 19 dự án nhà máy điện gió và thủy điện, với tổng công suất 880,6 MW được đưa vào vận hành đến năm 2030, gồm 17 dự án điện gió (tổng công suất 870 MW) và 2 dự án thủy điện nhỏ (10,6 MW). Bên cạnh đó, có 3 dự án điện mặt trời (401 MW) xem xét sau năm 2030 được triển khai trong thời kỳ quy hoạch nếu thực hiện theo hình thức tự sản, tự tiêu.
Thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức triển khai các dự án năng lượng tái tạo theo đúng Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm các danh mục dự án điện triển khai phù hợp với Quy hoạch vùng Tây Nguyên, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch giao thông, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…; tổ chức triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án điện theo quy định của pháp luật về đầu tư; rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục các dự án nguồn điện, trạm biến áp, đường dây tải điện đã được phê duyệt vào Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, gắn với thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư các dự án điện, kịp thời phát hiện, xử lý những thiếu sót, tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực này. Đối với các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định canh, định cư cho các dự án nguồn điện và lưới điện theo quy định; rà soát, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình điện theo quy định của pháp luật.
Minh Chi - Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc