Bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn heo trong dịp cuối năm
Để phục vụ thị trường cuối năm, người chăn nuôi tại các địa phương đang tích cực chăm sóc đàn heo, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh, đòi hỏi người chăn nuôi cần chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nông hộ chủ động phòng dịch bệnh
Trang trại của ông Nông Văn Pòng (thôn 1A, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) hiện đang nuôi 500 con heo thịt và 100 con heo nái, theo mô hình chăn nuôi heo khép kín trong hệ thống chuồng lạnh, bảo đảm an toàn vệ sinh sinh học, trung bình xuất ra hơn 120 tấn/năm.
Với 5 năm kinh nghiệm chăn nuôi heo, việc thực hiện phòng ngừa dịch bệnh luôn được ông Pòng thực hiện chặt chẽ: lối ra, vào cũng như xung quanh chuồng nuôi được vệ sinh, xịt khử trùng hai lần/tuần; đàn heo thịt đều được tiêm vắcxin dịch tả lợn; kiểm soát chặt chẽ những nguồn lây nhiễm từ bên ngoài.
“Cách đây một tháng, gia đình tôi nuôi thêm 300 con heo để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025. Trước khi tái đàn, gia đình vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. Đối với con giống mới nhập về, sau khi kiểm định chất lượng sẽ nuôi cách ly một tháng để theo dõi trước khi cho nhập đàn nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh”, ông Pòng chia sẻ.
Trang trại của ông Nông Văn Pòng (thôn 1A, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. |
Hộ ông Trương Đăng Bách (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đang nuôi 30 con heo thịt và 10 con heo nái. Hiện nay, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp nên thời gian qua, gia đình ông thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ, xây hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi... Để phục vụ cho thị trường Tết sắp tới, gia đình ông vừa nuôi thêm 20 con heo thịt, hiện đàn vật nuôi đang phát triển tốt.
Năm 2024, Đắk Lắk có số lượng đàn heo 1.100.000 con, tăng 38.800 con so với năm 2023; sản lượng thịt hơi ước đạt 256.700 tấn. Sở NN-PTNT cho biết, nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh đàn vật nuôi trong dịp cuối năm, Sở đã phối hợp tốt với các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch và ngăn chặn, xử lý kịp thời dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương. Vì vậy, mặc dù dịch tả heo châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò... vẫn xảy ra ở một số địa phương nhưng đã kịp thời khoanh vùng dập dịch nên mức độ ảnh hưởng thấp.
Đẩy mạnh công tác truyền thông
Theo bà Trần Thị Thêu, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Buôn Hồ, hiện tổng đàn heo trên địa bàn thị xã khoảng 30.250 con. Trước cảnh báo về nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, trạm đã phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân biết và nhận thức được sự nguy hiểm nếu bùng phát, lây lan dịch tả heo châu Phi. Khi phát sinh ổ dịch mới xảy ra, trạm đã đến kiểm tra, xử lý dứt điểm, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan thêm.
Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Buôn Hồ tuyên truyền, hướng dẫn bà con trên địa bàn cách phòng chống dịch tả lợn châu Phi. |
Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân mua con giống có nguồn gốc, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh; vận động người chăn nuôi chỉ mua con giống từ các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; khi phát hiện có dịch bệnh phải báo cáo chính quyền địa phương và ngành chuyên môn để kịp thời xử lý, bảo đảm không lây lan diện rộng. Đồng thời, Trạm tiến hành rà soát, tổ chức tiêm vắcxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn heo; phối hợp với các xã, phường trong công tác giám sát việc tái đàn, để đàn heo phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững, bảo đảm nguồn cung cho thị trường Tết Nguyên đán 2025 sắp đến.
Để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh dịch nguy hiểm - dịch tả heo châu Phi, khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương huy động các nguồn lực để xử lý dứt điểm những ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý, tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả heo châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh...
Minh Thuận – Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc