Chi phí tăng cao, nông dân thấp thỏm với vụ hoa Tết
Thời điểm này, các nhà vườn trồng hoa trên địa bàn tỉnh đang tích cực chăm sóc cây để kịp xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng cao đang khiến nhiều nhà vườn lo lắng.
Gắn bó với nghề trồng hoa cúc đã 15 năm, anh Nguyễn Văn Trí (chủ vườn hoa Trí Vân, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cho biết, để phục vụ thị trường hoa dịp tết, năm nay gia đình anh trồng khoảng 2.000 chậu cúc cỡ lớn và 1.000 chậu cúc cỡ nhỏ, giống cúc pha lê được nhập từ Đà Lạt về.
Với những người trồng hoa, Tết Nguyên đán là vụ mùa quan trọng và được mong đợi nhất trong năm. Tuy nhiên, hiện nay tất cả các khoản chi phí đầu tư cho vụ hoa tết đều tăng khoảng 15 - 20% so với những vụ hoa trước.
Cụ thể như, giá cây giống tăng từ 230 - 300 đồng/cây lên 330 - 350 đồng/cây; giá trấu tăng 6.000 đồng/bao, lên 16.000 đồng/bao; giá cây tre (dùng để tạo dáng cho cây) tăng 200 - 300 đồng/cây, lên 500 - 600 đồng/cây…
“Mặc dù thời tiết thuận lợi, song với chi phí đầu tư cao như hiện tại, trong khi giá bán cho khách hàng không thể tăng khiến người trồng hoa tết như gia đình tôi đang phập phồng lo lắng”, anh Trí bộc bạch.
Nhân công đang chăm sóc hoa cúc tại vườn của bà Nguyễn Thị Huấn (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột). |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huấn (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, vì giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng so với mọi năm nên năm nay gia đình bà chỉ trồng 1.000 chậu cúc pha lê và cúc đại đóa, giảm khoảng 500 chậu so với năm ngoái. Hoa cúc là một trong những loài hoa rất được yêu thích trong dịp Tết Nguyên đán.
Để có được những chậu hoa thành phẩm khỏe mạnh, hoa nở đều, đẹp thì nhà vườn phải tốn nhiều công sức chăm sóc và xử lý phân, thuốc liên tục để cây không bị sâu bệnh hại. “Hễ cây hoa bị vàng lá, nấm bệnh thì chúng tôi phải xử lý phân thuốc ngay.
Tuy nhiên, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại hiện đã tăng gấp đôi. Nếu bị sâu bệnh gây hại hoặc số lượng hoa do các nhà vườn trồng được đưa ra thị trường quá nhiều khiến giá hoa phải giảm thì bà con trồng hoa không có lãi, thậm chí có thể lỗ nếu đầu tư nhiều”, bà Huấn chia sẻ.
Không chỉ các hộ trồng hoa cúc, các nhà vườn trồng hoa đào cũng đang phải đối mặt với bài toán chi phí đầu tư tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và kế hoạch sản xuất của họ.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Phạm Minh Hùng (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) cho biết, gia đình anh đang trồng hơn 6.000 cây đào Nhật Tân. Thời tiết không mưa kết hợp cùng nắng đẹp như hiện nay là một tín hiệu tích cực cho các nhà vườn.
Tuy nhiên, năm nay giá vật tư nông nghiệp, từ giống hoa, phân bón, thuốc trừ sâu đến giá thuê nhân công... đều tăng hơn so với năm ngoái, anh Hùng cũng đang lo lắng lợi nhuận sẽ bị giảm sút.
Chẳng hạn, giá cây đào giống năm nay tăng gấp ba lần so với năm ngoái; công của người lao động cũng tăng từ 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày lên 300.000 - 450.000 đồng/người/ngày tùy công việc.
"Trước đây chỉ cần đầu tư khoảng hơn 10 triệu đồng/1 sào hoa đào, nhưng nay phải hơn 15 triệu đồng mới đủ. Nếu giá bán không tăng tương ứng với chi phí đầu tư thì lợi nhuận của các nhà vườn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, các nhà vườn trồng hoa ngày càng nhiều, thị trường tiêu thụ lại thu hẹp vì nhu cầu giảm, nên sẽ không thể tăng giá hoa được. Dự kiến lợi nhuận năm nay sẽ không có nhiều", anh Hùng lo lắng.
Nhà vườn trồng đào tại thị xã Buôn Hồ đang tích cực chăm sóc cây để kịp bán trong dịp Tết Nguyên đán 2025. |
Dù còn nhiều nỗi lo cho vụ hoa Tết năm nay nhưng nông dân trồng hoa vẫn rất cần mẫn, tỉ mỉ chăm sóc cho từng chậu hoa, cây cảnh. Với họ, hy vọng vụ hoa tết được giá, sức mua dồi dào sẽ mang đến một cái tết trọn vẹn hơn cho gia đình.
Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc