Multimedia Đọc Báo in

Diện tích tái canh không đạt

08:09, 04/12/2024

Công tác tái canh cà phê được Đắk Lắk triển khai từ năm 2011, đến nay cũng đã mang lại một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cà phê không ngừng biến động đòi hỏi Đắk Lắk cần có sự điều chỉnh về các giải pháp, cũng như chính sách phù hợp với thực tế.

Khó cạnh tranh với cây trồng khác

Diện tích cây cà phê già cỗi cần tái canh của Đắk Lắk chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng trên 30%. Để "trẻ hóa" vườn cà phê, giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh đã triển khai kế hoạch tái canh 41.587 ha và giai đoạn 2021 – 2025 là gần 24.442 ha.

Tuy nhiên trên thực tế, nông dân vẫn chưa mặn mà với việc "trẻ hóa" vườn cây, bởi trong suốt giai đoạn đầu thực hiện chương trình tái canh, giá trị kinh tế mà cây cà phê mang lại không bằng nhiều loại cây khác vào thời điểm đó. Đơn cử như hồ tiêu có mức giá cao lịch sử (trên 200.000 đồng/kg vào các năm 2014 - 2015), hay bơ booth có thời điểm giá chạm mốc 100.000 đồng/kg, cây sầu riêng cũng mang lại giá trị kinh tế cao hơn… Trong khi đó, giá cà phê giảm sâu (trên dưới 30.000 đồng/kg), giá vật tư đầu vào không ngừng tăng cao khiến nhiều nông dân không còn bám trụ được với vườn cây mà chuyển đổi hoặc trồng xen những cây có giá trị hơn vào vườn cà phê cần tái canh.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại vườn cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Tiêu (huyện Cư Kuin).

Đến giai đoạn từ 2022 đến nay, giá cà phê liên tục tăng cao (mức giá ngày 3/12 là trên 120.000 đồng/kg), người trồng cà phê phấn khởi, song nhiều hộ dân lại chưa muốn tái canh vào thời điểm này vì sợ mất cơ hội giá tốt nên vẫn để tiếp tục thu hoạch dù vườn cây cho năng suất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các địa phương không đạt chỉ tiêu về diện tích tái canh hằng năm.

 

Trong niên vụ 2023 - 2024, Đắk Lắk đã mở rộng, phát triển được sản phẩm cà phê đặc sản, đây là hướng phát triển mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. Các địa phương cần chú trọng thực hiện kế hoạch tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê; khuyến khích các nông hộ đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nhằm đáp ứng tốt xu thế phát triển mới này".

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2020, tổng diện tích cà phê tái canh tại các huyện, thị xã, thành phố là 35.408 ha (bằng 85,14% kế hoạch). Nếu tính theo kế hoạch được UBND tỉnh ban hành giai đoạn 2014 – 2020 thì chỉ đạt 70,4%. Còn theo kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025, tính đến năm 2024 mới tái canh được trên 15.467 ha (trên 80% kế hoạch năm và 63,3% kế hoạch giai đoạn).

Còn nhiều bất cập

Tái canh cây cà phê là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm cải tạo diện tích cây cà phê lâu năm đang bị già cỗi, thúc đẩy phát triển và nâng cao đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều bất cập về quy trình kỹ thuật, vốn đầu tư, chính sách hỗ trợ...

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, một số địa phương chỉ căn cứ vào thời gian trồng mà không căn cứ vào hiện trạng vườn cây; việc rà soát diện tích cần tái canh chưa đến từng hộ dân nên khi xây dựng kế hoạch không sát với tình hình thực tế; công tác tuyên truyền về kế hoạch tái canh, quy trình tái canh chưa được thường xuyên, nông dân nắm bắt thông tin còn hạn chế. Để tái canh cà phê đạt hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện theo quy trình kỹ thuật, nhưng một số hộ nông dân chủ yếu làm theo kinh nghiệm hoặc áp dụng không đúng quy trình về xử lý đất, luân canh và các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ NN-PTNT... Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là vì trong thời gian luân canh và thời kỳ kiến thiết cơ bản, người trồng cà phê mất nguồn thu nhập từ vườn cây, trong khi chưa có chính sách giải quyết có hiệu quả sinh kế cho họ. Mặt khác, tái canh cà phê đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng người sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay còn có nhiều trở ngại.

Đại diện Công ty Xuất khẩu cà phê Dakman - đối tác của HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu thăm vườn cà phê tái canh.

Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT), hiện giá cà phê đã tăng cao hơn kỳ vọng của người dân nên để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng hình thức tái canh, ghép cải tạo những giống có chất lượng tốt. Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài quốc doanh tham gia làm đầu mối liên kết, hỗ trợ nông dân "trẻ hóa" vườn cây, tham gia vào các chuỗi giá trị ngành hàng cà phê.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.