Multimedia Đọc Báo in

Ngành hàng cà phê phải đổi mới và thích ứng để giảm thiểu rủi ro do biến động giá

08:47, 22/12/2024

Việc thị trường cà phê biến động không ngừng ngay đầu niên vụ mới đang có tác động không nhỏ đến ngành hàng cà phê Việt Nam. Để vượt qua những “con sóng lớn”, đòi hỏi các tác nhân trong ngành hàng phải có những chiến lược mang tính bền vững.

Để tìm giải pháp cho vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ TRỊNH ĐỨC MINH, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Tiến sĩ Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

* Thưa ông, có thể thấy, chưa khi nào ngành hàng cà phê toàn cầu lại chứng kiến sự biến động khó lường của giá cả như hiện nay. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giá cà phê biến động khó lường, trước hết là do nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu đang tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua, nhưng sự thiếu hụt nguồn cung dẫn đến tình trạng tăng giá và cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề biến động giá, đó là: biến đổi khí hậu và thời tiết thất thường đang ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng cà phê; chiến tranh và các vấn đề địa chính trị tác động đến chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất và điều kiện xuất khẩu của các nước trồng cà phê; chính sách lãi suất và tỷ giá hối đoái có tác động đa chiều đến giá cà phê, ảnh hưởng từ chi phí sản xuất đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) là chính sách mới có ảnh hưởng lên giá cà phê thế giới, vì để tuân thủ EUDR, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn. EUDR cũng có thể hạn chế nguồn cung cà phê vào châu Âu nếu một số nhà sản xuất không thể đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, hoạt động đầu cơ tài chính có ảnh hưởng lớn đến giá cà phê trên thị trường thế giới. Đó là tăng biến động giá do tạo ra áp lực lớn về cung và cầu giả tạo; một số nhà đầu cơ có thể kiểm soát lượng lớn hợp đồng tương lai, từ đó dễ dàng thao túng giá để đạt lợi nhuận cao...

* Sự biến động về giá cà phê thế giới tác động như thế nào đến ngành hàng cà phê Việt Nam, thưa ông?

Biến động giá cà phê thế giới có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến giá cà phê Việt Nam do Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chủ yếu là cà phê Robusta, và thị trường cà phê có độ mở rất cao. Khi giá cà phê trên thị trường quốc tế thay đổi, giá cà phê trong nước cũng có xu hướng biến động theo. Hiện nay, giá cà phê thế giới tăng cao đang giúp kim ngạch xuất khẩu của cà phê Việt Nam đạt những con số ấn tượng. Tuy nhiên, các yếu tố gây biến động giá cà phê thế giới như nguồn cung từ các nước sản xuất lớn, tỷ giá USD, chi phí vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ… đều tác động lên giá cà phê trên thị trường Việt Nam. Đặc biệt là yếu tố đầu cơ trên thị trường của các quỹ đầu tư và nhà đầu tư lớn thường xuyên đầu cơ vào cà phê trên các sàn giao dịch quốc tế như ICE, làm giá cà phê lên, xuống đột ngột. Những biến động này phản ánh ngay lập tức vào thị trường cà phê Việt Nam, làm giá trong nước cũng biến động theo. Điều này gây ảnh hưởng đến nông dân, bởi giá cà phê biến động do đầu cơ thường gây khó khăn cho nông dân, đặc biệt là những người sản xuất nhỏ lẻ. Khi giá tăng đột ngột, họ có thể thấy lợi nhuận cao trong ngắn hạn, tuy nhiên khi giá giảm mạnh, họ lại chịu thiệt hại nặng nề, nhất là khi không có hệ thống bảo hiểm rủi ro.

Giá cà phê biến động cũng phá vỡ quan hệ cung - cầu thực tế, vì trong nhiều trường hợp, đầu cơ có thể khiến giá cà phê không phản ánh đúng cung và cầu. Giá cà phê có thể tăng cao ngay cả khi sản lượng dư thừa, hoặc giảm mạnh ngay cả khi nguồn cung khan hiếm. Điều này làm cho các nhà sản xuất và xuất khẩu khó dự báo và lên kế hoạch hiệu quả.

* Để thích ứng với tình trạng biến động giá trong bối cảnh hiện nay, theo ông đâu là giải pháp?

Ngành cà phê toàn cầu ảnh hưởng mạnh đến ngành cà phê Việt Nam thông qua các yếu tố giá cả, nhu cầu tiêu thụ, tiêu chuẩn bền vững, biến đổi khí hậu và cạnh tranh. Để thích ứng và phát triển ngành cà phê một cách bền vững, Việt Nam cần cải thiện chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất bền vững và ứng dụng công nghệ để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh là chiến lược quan trọng để giúp ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững và giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp cà phê cần theo sát xu hướng tiêu dùng toàn cầu để phát triển các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, ngành hàng cà phê Việt Nam cần tăng cường giá trị thương hiệu và tính cạnh tranh quốc tế thông qua các tiêu chuẩn bền vững như Rainforest Alliance, Fair Trade, 4C. Điều này giúp cải thiện chất lượng và tăng cường uy tín cà phê Việt Nam. Thị trường quốc tế, đặc biệt ở châu Âu và Bắc Mỹ, ngày càng ưa chuộng sản phẩm có chứng nhận bền vững. Đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ giúp cà phê Việt Nam dễ dàng tiếp cận và gia tăng sản lượng xuất khẩu vào các thị trường lớn này. Các tiêu chuẩn bền vững cũng thúc đẩy nông dân áp dụng những phương pháp canh tác bền vững để chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp cây cà phê sinh trưởng ổn định và duy trì năng suất. Mặt khác, một trong những chiến lược mà ngành hàng cà phê Việt Nam cần quan tâm hiện nay là phát triển cà phê đặc sản để nâng cao danh tiếng chất lượng, cũng như giá trị cho ngành hàng.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Thuận Nguyễn (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thắt chặt tình đoàn kết quân dân
Cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk đã lập nhiều chiến công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển của tỉnh, được Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5, cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.