"Nghệ nhân" ghép cây
Ghép cây là khâu quan trọng quyết định thành bại của việc nhân giống cây trồng.
Nhờ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ ghép cây ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) mà chất lượng, sản lượng nhiều loại cây trồng trong và ngoài tỉnh đang ngày một nâng cao, giúp người dân tăng thu nhập.
Với hơn 15 năm gắn bó với nghề ghép cây giống, chị Nguyễn Thị Thùy Liên (SN 1982, ở thôn 10, xã Hòa Thắng) luôn bận bịu vì có nhiều người gọi đi ghép cây giống, ghép cây cải tạo.
Chị Nguyễn Thị Thùy Liên ở thôn 10 (xã Hòa Thắng,TP. Buôn Ma Thuột) đang ghép chồi cây cà phê. |
Trước đây, chị làm công cho các hộ gia đình sản xuất cây giống trên địa bàn xã, với những việc đơn giản như: đóng bịch, xếp cây, bốc cây lên xe cho khách hàng...
Hằng ngày nhìn các thợ ghép cây giống làm việc, chị mày mò học làm theo, dần dần thạo nghề, đến nay mỗi ngày bình quân ghép được 800 - 1.000 cây. Thu nhập từ nghề ghép cây rất ổn định, có việc làm quanh năm. Mức tiền công ghép cây tại tỉnh là 300.000 - 400.000 đồng/ngày, còn khi sang các tỉnh như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước làm việc, thì tiền công là 600.000 đồng/ngày.
"Kỹ thuật ghép cây không khó, quan trọng nhất lấy chồi ghép chuẩn bảo đảm tỉ lệ sống 100%. Thợ ghép phải vót chồi hai bên đều nhau, đi một dao không được cắt sâu quá nếu không thân cây thực sinh vẫn còn non sau khi quấn dây nilon vào sẽ bị hư mắt ghép", chị Liên cho hay.
Hay như anh Chu Văn Cao Nguyên (ở thôn 10, xã Hòa Thắng) làm nghề ươm cây giống hơn 10 năm nay. Vườn ươm của anh được nhiều người biết đến với những giống cây ghép đạt chất lượng và năng suất cao. "Tiếng lành đồn xa", nhờ đó vườn ươm của anh lúc nào cũng đông khách, đến mùa cao điểm anh thuê 5 - 7 thợ ghép cây mới làm hết việc. Anh Nguyên cho biết, để ghép được những giống cây trồng đạt chất lượng tốt, anh đặt các chồi ghép từ những vườn trồng thuần trên địa bàn xã và những cơ sở uy tín hay có nhiều nơi đặt chồi ghép của họ mang qua vườn ươm thuê thợ ghép. Hiện tại, vườn ươm của gia đình anh Nguyên có 80.000 cây giống cà phê mít đang được các thợ ghép.
Chị Nguyễn Thị Thừa ở thôn 7 (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đến xã Hòa Thắng làm việc tại một vườn ươm cây trồng. |
Anh Nguyên trò chuyện: ''Để được một cây giống ghép đạt chất lượng thì từ lúc ươm hạt lên cây để ghép mất khoảng 8 tháng. Sau khi ghép xong, cây giống được ủ lồng trong khoảng 30 ngày, sau đó mở lồng 10 ngày và cho cây đứng nắng thêm 20 ngày nữa mới bắt đầu bán cho người trồng''. Nhu cầu cần các loại giống cây trồng trên thị trường khá cao, do đó những thợ ghép cây trồng làm không hết việc, thu nhập khá ổn định.
Hiện trên địa bàn xã Hòa Thắng có gần 400 hộ dân và 4 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cây giống, thu nhập bình quân của các cơ sở khoảng 450 triệu đồng/năm. Các cơ sở sản xuất cây giống đã tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương và các vùng lân cận, nhờ đó cuộc sống của người dân ngày một khấm khá hơn.
Kim Huế
Ý kiến bạn đọc