Multimedia Đọc Báo in

Gỡ vướng nguồn vật liệu Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

08:25, 23/05/2025

Trước thực trạng khó khăn về nguồn vật liệu thi công Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, các đơn vị, địa phương liên quan đang tập trung tháo gỡ thủ tục pháp lý và đề xuất giải pháp điều phối vật liệu cân đối giữa các dự án thành phần.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh - chủ đầu tư Dự án thành phần 3 cho biết, nhu cầu vật liệu của toàn dự án cần khoảng 1,4 triệu m3 đá các loại, 0,4 triệu m3 cát và 1,4 triệu m3 đất đắp. Trong đó, gói thầu 01 và 02, các mỏ vật liệu cơ bản đáp ứng quá trình thi công dự án, riêng gói thầu 03 hiện nay còn thiếu và gặp khó về thủ tục mỏ đá.

Nhà thầu gặp khó về vật liệu đá

Tổng nhu cầu điều phối vật liệu phục vụ cho nhà thầu thi công gói thầu số 03 Dự án thành phần 3 cần gần 130.000m3. Cụ thể, Tổng Công ty xây dựng số 1 – CTCP (viết tắt là CC1) mặc dù đã thỏa thuận với chủ đất khu vực còn lại của mỏ đất, đá tại xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắc) nhưng việc thương thảo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên không thể lựa chọn được vị trí để tổ chức khảo sát, lập hồ sơ khai thác mỏ. Trước những vướng mắc nêu trên, nhà thầu CC1 đã đề nghị được điều chuyển đá từ mỏ đá của Công ty Cổ phần 484 (mỏ đá thôn 6B, xã Ea Păl, huyện Ea Kar).

Thi công Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tương tự, đối với Công ty Cổ phần Xây dựng và lắp máy Trung Nam, trước đó đã triển khai khảo sát, lập hồ sơ mỏ vật liệu đối với mỏ đặc thù đất, đá tại xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắc) và được cung cấp Bản xác nhận khai thác số 2312/XN-UBND, ngày 21/3/2024. Tuy nhiên, quá trình triển khai các bước tiếp theo để hoàn thiện thủ tục kéo dài nên việc khai thác phục vụ thi công công trình chưa được kịp thời. Do vậy, doanh nghiệp đề xuất sử dụng đá tại mỏ đá thôn 6B của Công ty Cổ phần 484.

 

Tính đến ngày 9/5/2025, lũy kế giải vốn của Dự án thành phần 3 đạt trên 2.700 tỷ đồng (đạt 62,7%) so với tổng số vốn đã được bố trí. So với kế hoạch cam kết hoàn thành trước ngày 30/8/2025, nhà thầu đang chậm tiến độ khoảng 4,56%, tương đương khoảng 192,07 tỷ đồng.

Về quá trình thi công công trình, càng về giai đoạn sau, khi triển khai thi công các hạng mục móng, mặt đường thì nhu cầu về nguồn vật liệu cấp phối đá dăm, cấp phối đá bê tông nhựa càng cao. Trong khi đó, một số mỏ vật liệu thương mại trên địa bàn tỉnh chưa thể cung cấp đồng bộ, ổn định để đáp ứng cho quá trình thi công công trình của các nhà thầu. Do đó, để chủ động nguồn vật liệu đá phục vụ thi công công trình, các nhà thầu nhận thấy nguồn vật liệu đá từ mỏ đá được cấp theo cơ chế đặc thù tại thôn 6B cấp cho Công ty Cổ phần 484 để phục vụ Dự án thành phần 2 có nhiều thuận lợi để cung cấp cho Dự án thành phần 3. Với sự cần thiết và tính cấp bách đối với việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, các nhà thầu đề nghị được điều chuyển một khối lượng đá từ Dự án thành phần 2 sang phục vụ thi công Dự án thành phần 3.

Cam kết điều phối vật liệu không làm tăng dự toán

Liên quan đến nguồn vật liệu tại mỏ đá thôn 6B, về phía Ban Quản lý dự án 6 (chủ đầu tư Dự án thành phần 2) thông tin, công suất được phép khai thác của mỏ đá thôn 6B là 1.180.000 m3 đá nguyên khai. Trong khi đó, tổng nhu cầu đá nguyên khai để phục vụ cho Dự án thành phần 2 cần khoảng 926.000 m3, còn dư 254.000 m3 so với cấp phép (nguyên nhân giảm do tận dụng được phần lớn vật liệu đá đào hầm Phượng Hoàng để sử dụng cho dự án và khối lượng các nhà thầu đã mua tại các mỏ thương mại).

Ban Quản lý dự án 6 khẳng định, khả năng cung cấp vật liệu đá của mỏ thôn 6B là đủ đáp ứng cho nhu cầu đối với cả Dự án thành phần 2 và khối lượng còn thiếu của Dự án thành phần 3 mà không vượt tổng hạn mức đã được UBND tỉnh Đắk Lắk xác nhận tại Bản xác nhận số 1177/XN-UBND, ngày 7/2/2024.

Theo tính toán, mỏ vật liệu tại thôn 6B, xã Ea Păl (huyện Ea Kar) đáp ứng đủ nguồn đá phục vụ thi công Dự án thành phần 2 và khối lượng còn thiếu của Dự án thành phần 3.

Theo tính toán của CC1, doanh nghiệp sử dụng mỏ đá thôn 6B, chi phí vận chuyển sẽ tăng khoảng 14 tỷ đồng so với sử dụng đá tại mỏ đá Hòa Tiến; còn đối với Công ty Cổ phần Xây dựng và lắp máy Trung Nam chi phí vận chuyển dự kiến tăng hơn 4,6 tỷ đồng so với sử dụng đá tại mỏ đá Hòa Tiến. Để bảo đảm nguồn cung cấp đá và đáp ứng tiến độ thi công, các nhà thầu đã cam kết sẽ không phát sinh thêm chi phí, không làm tăng dự toán xây dựng công trình, bảo đảm tính tiết kiệm, đáp ứng tiến độ và chất lượng.

Theo chủ đầu tư Dự án thành phần 3, việc bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng không chỉ giúp các dự án hoàn thành đúng tiến độ, mà còn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư công. Trong đó, Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là một trong những dự án trọng điểm được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ vật liệu theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Điều 4 Nghị quyết số 106/2023/QH15, ngày 28/11/2023 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Do đó, việc điều phối một phần khối lượng đá từ mỏ đá thôn 6B được cấp theo cơ chế đặc thù cho Dự án thành phần 2 sang Dự án thành phần 3 vẫn bảo đảm tính pháp lý để triển khai thực hiện, nhất là trong điều kiện nhu cầu về vật liệu đá của Dự án thành phần 3 đang gặp nhiều khó khăn.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Viết tiếp bản hùng ca nơi tuyến đầu Tổ quốc
50 năm qua (23/5/1975 - 23/5/2025), nơi mảnh đất biên cương đầy nắng gió, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã sống, chiến đấu và trưởng thành với một niềm tin sắt đá: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".