Tăng hàm lượng khoa học vào sản xuất sầu riêng
Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk vừa ký thỏa thuận hợp tác cùng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tăng cường các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật vào giám sát, hỗ trợ các quy trình sản xuất sầu riêng an toàn trên địa bàn.
Bức thiết về khoa học sản xuất
Theo văn bản thỏa thuận, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk và WASI sẽ phối hợp bốn nội dung chính gồm: phối hợp nghiên cứu, xác định nguồn gốc, tồn dư hóa chất và kim loại nặng trong sản phẩm sầu riêng, dự đoán các hoạt chất có thể gây hại đến chất lượng sản phẩm trong tương lai; xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở cho ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk; xác định các gói giải pháp kỹ thuật phù hợp với sầu riêng cho các vùng sinh thái khác nhau; phối hợp tổ chức các hội thảo, tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất sầu riêng bền vững.
Trong việc hợp tác này, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk có trách nhiệm đề xuất hoặc phối hợp đề xuất các nhiệm vụ có tính cấp bách, cần thiết trong sản xuất sầu riêng tại Đắk Lắk; các nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa hai bên; chịu trách nhiệm chính trong việc tìm nguồn kinh phí cho các hoạt động hợp tác và phối hợp với WASI thực hiện các nhiệm vụ tại hiện trường, tại các tổ chức doanh nghiệp, phối hợp với người nông dân trồng sầu riêng. “Chúng tôi xác định đây là những vấn đề quan trọng, là trách nhiệm của hiệp hội trong vấn đề hỗ trợ người nông dân, các doanh nghiệp định hướng tăng hàm lượng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất bền vững cây sầu riêng”, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk nhấn mạnh.
Thực tế công tác giám sát, tổ chức quy hoạch phát triển các vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đã có sự tham gia của các tổ chức, cơ quan quản lý. Trong đó, vai trò của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã… là quan trọng về mặt ban hành chính sách, cấu trúc quy hoạch và tổ chức vận động xã hội. Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, với vị thế tổ chức nghề nghiệp trực tiếp hỗ trợ người nông dân canh tác, các doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị gia tăng về chế biến phân phối cần định vị rõ trách nhiệm gắn kết với các quy trình canh tác, sản xuất cụ thể của người nông dân.
Theo đó, làm sao để tăng hàm lượng tri thức khoa học trong hoạt động sản xuất, canh tác chăm trồng cây sầu riêng là vấn đề rất bức thiết. Người nông dân không thể duy trì mãi các phương pháp, cách thức chăm trồng cũ mà cần trang bị mới, cập nhật các tri thức về giống cây trồng, chế độ canh tác hướng đến chuyên canh diện tích lớn, thu hoạch sản lượng lớn… Một yêu cầu quan trọng hơn phải đặt ra là tính an toàn trong sản phẩm thu hoạch khi nhiều lô hàng, đơn hàng sầu riêng bị vướng những tiêu chí về dư lượng hóa chất, nhiễm kim loại nặng, phương pháp bảo quản không an toàn…
![]() |
Việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị gia tăng, các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu cho nông sản.(Trong ảnh: Khâu tách múi sầu riêng cấp đông xuất khẩu của Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm). Ảnh: Minh Thuận |
Mở ra những cơ hội mới
Ông Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chia sẻ, WASI sẵn sàng năng lực đáp ứng các yêu cầu của bốn nội dung hợp tác, nhất là trong công tác đồng hành sản xuất với người nông dân. Hơn nữa, trong xu hướng phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản chính ngạch, các yêu cầu khoa học, kỹ thuật an toàn càng trở nên trọng yếu, việc hợp tác nghiên cứu, triển khai giải pháp thúc đẩy sản xuất từ người nông dân cũng là vấn đề trách nhiệm của WASI.
Thỏa thuận hợp tác của Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk có thể nói là đơn đặt hàng đầu tiên của các tổ chức nghề nghiệp ở địa bàn với tổ chức nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
Điều này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới, cho chất lượng và giá trị sản xuất hàng hóa của tỉnh. Khi người nông dân được trang bị đầy đủ những kiến thức khoa học mới, kỹ thuật canh tác và đề phòng xử lý những hệ lụy phía sau các quy trình canh tác thiếu kiểm soát trước đây, họ sẽ bảo đảm được chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường an toàn và tốt hơn. Điều này đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí về chất lượng hàng hóa, cho phép ổn định từng vùng canh tác chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu về mã vùng xuất khẩu, đóng gói…
Các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến sẽ yên tâm hơn với các hợp đồng với nông dân, vừa bảo đảm các tiêu chí diện tích, sản lượng thu hoạch, vừa ngăn ngừa được những nguy cơ tiềm ẩn từ lối canh tác cũ. Tất cả sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giá trị gia tăng, các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu cho nông sản Tây Nguyên.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc