Multimedia Đọc Báo in

Cây môn hương gặp khó về đầu ra

06:48, 23/08/2021

Môn hương là một trong những loại cây trồng mới được người dân xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) đưa vào trồng những năm gần đây. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên đầu ra của loại cây này đang gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, vụ đông xuân 2020 – 2021, nông dân xã Khuê Ngọc Điền trồng hơn 20 ha cây môn hương, với sản lượng 300 tấn củ. Trong tháng 7-2021, môn hương đã được các thương lái thu mua 200 tấn, thị trường tiêu thụ là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, thời gian gần đây do các địa phương trên thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 nên khó khăn trong việc tiêu thụ.

Ruộng môn hương của gia đình ông Hoàng Sỹ (thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền) đã vào vụ thu hoạch nhưng chưa có thương lái mua.

Hiện nay tuy đang vào vụ thu hoạch, nhưng tại các ruộng khoai môn hương trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền không còn cảnh thương lái tấp nập thu mua như những vụ trước. Ông Hoàng Sỹ (thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền) có 6 sào đất, trước kia trồng mía và bắp. Mấy năm gần đây thấy nhiều hộ trồng cây môn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông thử chuyển đổi cây trồng. Chi phí đầu tư cho mỗi sào khoảng 10 triệu đồng. Mọi năm với giá bán củ môn hương loại 1 (trọng lượng từ 0,85 kg trở lên) vào khoảng 20.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi sào ông Sỹ thu lãi trên 10 triệu đồng. So với nhiều loại cây trước đây từng trồng, giá trị cây môn hương mang lại trên cùng một đơn vị diện tích cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, vụ môn hương năm nay trúng vào đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh nên thương lái từ các tỉnh không vào thu mua. 6 sào môn hương của gia đình ông Sỹ cho thu hoạch khoảng 6 tấn củ thì mới chỉ bán được 3 - 4 tấn với giá 10.000 đồng/kg, còn lại đều bị hư thối hết do để lâu mà không có người thu mua.

Gia đình ông Lương Văn Trĩ (thôn 3) cũng trồng hơn 1,5 ha khoai môn hương, với sản lượng khoảng 16 tấn củ, nhưng hiện nay mới bán được khoảng một nửa do Hội Nông dân xã Khuê Ngọc Điền hỗ trợ tiêu thụ. Hiện gia đình ông còn gần chục tấn khoai, nếu không tiêu thụ được, khoai có nguy cơ bị già và hư hỏng ngoài ruộng.

Bưu điện huyện Krông Bông hỗ trợ nông dân xã Khuê Ngọc Điền tiêu thụ môn hương.

Để giúp nông dân xã Khuê Ngọc Điền tiêu thụ môn hương, Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông đã có văn bản đề nghị các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, ban, ngành của huyện, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân triển khai nhiều hình thức để hỗ trợ. Trong đó tiến hành vận động, thông tin rộng rãi đến hội viên, đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân cùng tham gia đồng hành hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm môn hương. Ông Y Minh Niê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Bông chia sẻ, để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, không để hàng hóa ùn ứ, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên cùng chung tay chia sẻ với các hộ có nông sản vào vụ thu hoạch với những cách làm cụ thể như: thu mua phục vụ tiêu dùng; san sẻ, ủng hộ cho người dân tại các vùng khó khăn, vùng bị phong tỏa, cách ly do dịch COVID-19...

Nhờ huy động rộng rãi trong các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, ban, ngành của huyện nên những ngày qua nhiều tấn khoai môn hương của bà con nông dân xã Khuê Ngọc Điền đã được tiêu thụ. Đơn cử Bưu điện huyện Krông Bông tổ chức chương trình “Tiêu thụ khoai môn hương giúp bà con nông dân xã Khuê Ngọc Điền”, với giá bán tại vườn chỉ 12.000 đồng/kg và miễn phí vận chuyển dành cho các đơn hàng trong địa bàn huyện; nhờ đó đến nay đã giúp nông dân tiêu thụ được gần 2 tấn môn hương.

Mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện nhưng hiện nay số môn hương trên địa bàn xã còn lại khá nhiều, đang “bí” đầu ra và rất cần được hỗ trợ tiêu thụ. Đến thời điểm hiện tại, sản lượng củ môn hương còn khoảng 100 tấn chưa được thu mua.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.