Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

08:14, 14/10/2021

Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, đến khi xuất ngũ trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh tiếp tục tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, trở thành những tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Thu nhập khá từ đa cây đa con

Sau hơn 30 năm trong quân ngũ, năm 2017 Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, nguyên là Trưởng Khoa giáo viên Trường Quân sự địa phương thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nghỉ hưu và quyết định về thôn 2, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) mua đất làm vườn.

Mua được đất, vợ chồng ông Tuấn dựng căn nhà cấp 4 đơn sơ, thuê máy xúc đào ao thả cá, trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, mít Thái, xoài, bơ, xây chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, chim bồ câu, làm giàn trồng bầu, bí, mướp...

Ông Tuấn tâm sự: “Đam mê tăng gia sản xuất từ khi còn trong quân ngũ, nay nghỉ hưu có nhiều thời gian hơn, đồng thời lao động cho cơ thể khỏe mạnh nên tôi đã chủ động chăn nuôi, trồng trọt, chịu khó học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi từ trang trại của bà con địa phương và qua ti vi, sách, báo... để nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Hiện gia đình ông có hơn 200 con gia cầm các loại, 2 ao cá, vài chục con heo... Trang trại không chỉ cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho vợ chồng ông và gia đình hai người con ở TP. Buôn Ma Thuột mà còn có sản phẩm bán ra thị trường. Ước tính mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh vườn này.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tuấn thu hoạch bầu. Ảnh: T.Hải

Không chỉ làm kinh tế cho gia đình mình, ông Tuấn còn giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về cây giống, con giống và phổ biến cho bà con về kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi. Ông cũng thường xuyên vận động các hội viên cựu chiến binh, người dân trong xóm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế; tích cực tham gia các phong trào, hoạt động xã hội tại địa phương.

Phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi vịt

Cùng ở huyện Krông Bông, các cựu chiến binh Tô Quang Thanh (ở thôn 6, xã Hòa Phong) và Nguyễn Công (thôn 11, xã Hòa Lễ) lại vươn lên phát triển kinh tế từ nghề chăn nuôi vịt.

Những ngày mới từ quê hương Thái Bình vào lập nghiệp tại xã Hòa Phong, gia đình ông Tô Quang Thanh gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy sau mỗi mùa thu hoạch, lúa rơi vãi trên đồng khá nhiều, ông Thanh quyết định làm nghề chăn nuôi vịt thả đồng. Mỗi năm ông nuôi 3 lứa, mỗi lứa từ 2.500 - 3.000 con vịt, cuối vụ nuôi phần lớn vịt được thương lái đến mua tại đồng, sau khi trừ chi phí mỗi vụ ông thu lãi từ 30 - 50 triệu đồng (tùy thời giá), đủ trang trải cuộc sống của gia đình.

Ông Thanh chia sẻ, thời gian nuôi vịt thả đồng chỉ khoảng 2,5 tháng, ngoài việc sử dụng loại thức ăn bán trên thị trường thì nuôi vịt thả đồng còn tận dụng được thóc rơi và sinh vật ngoài đồng ruộng, giúp tiết kiệm chi phí, thịt vịt trở nên săn và ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Mô hình nuôi vịt đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình cựu chiến binh Nguyễn Công. Ảnh: V.Tăng

Rời quê hương Thanh Hóa vào lập nghiệp tại thôn 11, xã Hòa Lễ từ năm 2000, nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm, cựu chiến binh Nguyễn Công quyết định phát triển chăn nuôi vịt đẻ trứng và mở 3 lò ấp vịt con để bán. Trung bình mỗi năm ông nuôi 2.000 con vịt đẻ, số trứng đẻ ra được ông đưa vào lò ấp, mỗi tháng nở được 30.000 vịt con để bán cho các hộ. Với cách làm bài bản, mỗi năm gia đình ông Công thu về hàng trăm triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, việc nuôi vịt, ấp trứng của gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn bởi giá bán vịt không như kỳ vọng trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến gia đình ông thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Dù hiện tại gặp khó khăn, nhưng với ý chí của người cựu chiến binh, ông Công vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục gắn bó với nghề chăn nuôi đã chọn…

Trung Hải – Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.