Quả ngọt từ vườn thực nghiệm
Những quả dưa lưới ruột vàng cam, vị ngọt đậm đà được đưa đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình nghiên cứu, thực nghiệm đầy tâm huyết của các cán bộ Trung tâm Thông tin - Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lắk (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) để hoàn thiện quy trình sản xuất loại trái cây cao cấp này theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình thực nghiệm trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện hoàn toàn trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động Israel. Với diện tích 1.500 m2 nhà màng, Trung tâm trồng 3.200 cây dưa lưới giống TL3. Mặc dù giống dưa được lựa chọn trồng thực nghiệm có tính thích ứng tốt, kháng bệnh cao, nhưng đây vẫn là một loại cây trồng khó tính, đòi hỏi nhiều yêu cầu canh tác khắt khe, nhất là quy trình tưới nước và cung cấp dinh dưỡng.
Thu hoạch dưa lưới tại vườn thực nghiệm. |
Trại thực nghiệm khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích 6 ha, hiện đang triển khai trồng thực nghiệm các giống cà chua, ớt chuông, măng tây, sâm bố chính… nhằm đánh giá, hoàn thiện quy trình kỹ thuật các giống cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường. |
Anh Nguyễn Bình Doãn, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, quá trình canh tác dưa lưới cần phải theo dõi sát vườn cây, đảm bảo cung cấp cân đối lượng N-P-K cùng các nguyên tố trung, vi lượng thì cây mới cứng, khỏe, phát triển đồng đều và ra hoa tập trung. Vào thời điểm từ 22 - 25 ngày từ khi xuống giống, cán bộ kỹ thuật sẽ thả một thùng ong mật vào nhà màng để giúp cây thụ phấn tự nhiên. Ngoài ra, để đảm bảo đạt tiêu chuẩn VietGAP còn phải ứng dụng các giải pháp sinh học để phòng trừ sớm các bệnh thường gặp trên cây dưa lưới như: sương mai, phấn trắng, nứt thân xì mủ…
Trải qua hơn 2 tháng canh tác, vườn dưa lưới tại Trại thực nghiệm đã cho thu hoạch với tổng trọng lượng khoảng 4,5 tấn. Trọng lượng quả đồng đều, đạt bình quân 1,7 kg/quả. Dưa có vỏ xanh thẫm, vân lưới rõ, đẹp. Ruột dưa vàng thẫm, độ ngọt đạt trên 14 độ Brix, không thua kém các loại dưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hiện nay.
Đánh giá về mức độ thích ứng của cây dưa lưới, anh Doãn cho biết, loại cây này phù hợp với điều kiện thời tiết của Đắk Lắk, đặc biệt là những tháng nắng nhiều, nhiệt độ môi trường cao. Những vùng có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi có thể trồng dưa lưới ngoài môi trường tự nhiên nhưng sẽ nhiều rủi ro và khó quản lý sâu hại hơn so với điều kiện nhà màng.
Anh Nguyễn Bình Doãn kiểm tra độ ngọt của dưa lưới khi thu hoạch. |
Thị trường cho quả dưa lưới rất rộng, lợi nhuận cao. Tuy nhiên, do nhiều yêu cầu khắt khe về quy trình canh tác cùng chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên chưa có nhiều đơn vị, nông hộ thực hiện mô hình này. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của đề tài, Trung tâm sẽ hoàn thiện quy trình công nghệ, tiến hành chuyển giao cho nông dân và các đơn vị có nhu cầu phát triển cây dưa lưới.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc