Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, khẩn trương xuống giống vụ hè thu

08:20, 08/06/2022

Năm nay thời tiết bất thường, khiến hàng trăm héc-ta cây trồng trên địa bàn huyện Krông Ana bị ảnh hưởng. Để kịp thời vụ, hiện chính quyền địa phương và bà con nông dân đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, khẩn trương xuống giống vụ hè thu năm 2022.

Từ ngày 17/5 đến 29/5 vừa qua, trên địa bàn huyện Krông Ana xảy ra mưa vừa đến mưa to, khiến nước ở các sông, suối lên cao gây ngập lụt 820 ha cây trồng ở nhiều địa phương, thiệt hại ước tính gần 4,8 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu lúa mới gieo sạ gần 730 ha, tập trung chủ yếu ở các xã như Bình Hòa (472 ha), Dur Kmăl (114 ha), Quảng Điền (90 ha), thị trấn Buôn Trấp (38 ha)…

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Trần Đăng Thiện, đợt mưa lớn kéo dài vào giữa và cuối tháng 5 vừa qua, tổng diện tích lúa bị thiệt hại của xã chiếm hơn 64,6% diện tích lúa thiệt hại của toàn huyện. Chưa năm nào thời điểm gieo trồng vụ hè thu mà thời tiết lại diễn biến cực đoan như năm nay. Ngay sau khi kiểm tra thực tế, địa phương đã khắc phục thiệt hại bằng cách khơi thông dòng chảy, vận động bà con sử dụng máy bơm cá nhân để thoát nước kịp thời nhưng lượng nước quá lớn nên không thể cứu các khu vực bị ảnh hưởng. Hiện địa phương đang khuyến cáo bà con nước rút tới đâu thì khẩn trương gieo sạ tới đó; đối với vùng trũng, sâu, đặc biệt nằm ngoài khu vực đê bao thì cần có cân nhắc, ưu tiên sử dụng giống lúa ngắn ngày để tránh thiệt hại do lũ tiểu mãn thường xảy ra vào tháng 5 âm lịch.

Chị Võ Thị Huệ (thôn Hải Châu, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) gieo sạ khu vực cánh đồng Trạm bơm 3.

Đang vội gieo sạ trên diện tích 11 ha của gia đình, chị Võ Thị Huệ (thôn Hải Châu, xã Bình Hòa) buồn bã cho hay, tầm giữa tháng 5/2022 nhà chị xuống giống vụ hè thu, được mấy ngày thì gặp mưa lớn nên ngập úng hết hoàn toàn. Đến ngày 25/5, gia đình tiếp tục xuống giống đợt hai, nhưng chưa kịp sạ lại tiếp tục có mưa lớn nên toàn bộ giống lúa quá ngày buộc phải bỏ đi. Theo chị, hơn 20 năm trồng lúa tại đây, chưa có năm nào thời tiết lại diễn biến bất thường ngay từ đầu vụ như năm nay. Ước tính thiệt hại của gia đình chị khoảng 120 triệu đồng, bao gồm tiền giống, công cán và thuốc bảo vệ thực vật. Đây là lần thứ ba gia đình chị xuống giống cho vụ hè thu năm nay. Dù diện tích xuống giống gần xong, nhưng chị vẫn rất lo lắng vì thời gian gieo sạ kéo dài, khó tránh khỏi mưa lũ, năng suất, sản lượng sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ mất trắng.

Tương tự, hộ chị Lê Thị Ngọc Loan (thôn 6, xã Bình Hòa) cũng mất trắng 4/6 ha diện tích lúa mới xuống giống, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Chị cho biết, sau khi thu hoạch xong lúa vụ đông xuân 2021 - 2022, gia đình chị đã xuống giống gieo trồng vụ hè thu, với hy vọng làm sớm ngày nào hay ngày đó để tránh được lũ chính vụ. Ai ngờ, mới sạ được mấy ngày thì gặp mưa lớn, diện tích 4 ha bị ngâm nước lâu ngày nên lúa hỏng hết. Những ngày gần đây, tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình chị khẩn trương làm lại đất, ủ giống để gieo sạ cho kịp thời vụ. Đối với 2 ha còn lại, tỷ lệ cây phát triển còn khoảng 70% thì chị tập trung làm cỏ, dặm và bón phân để lúa sinh trưởng tốt. Thiệt hại về giống đã đành, việc phải sạ lại lần hai, thậm chí lần ba, khiến chị Loan và các hộ dân đều lo vụ hè thu năm nay chậm, khó tránh khỏi được lũ chính vụ thường xảy ra vào tháng 8 hằng năm.

Nông dân huyện Krông Ana chăm sóc lúa vụ hè thu năm 2022.

Đang be bờ đón nước cho lúa mới gieo sạ của gia đình, ông Nguyễn Sơn (thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa) cho biết, đây là lứa sạ thứ hai do đợt trước bị ảnh hưởng của mưa lớn gây ngập úng toàn bộ diện tích. Với 1,3 ha đất trồng lúa nước, đợt một gia đình ông mua hết 2 tạ lúa giống, tính cả chi phí phân bón, công máy bị thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Đợt này, hầu hết các hộ dân đều bị ngập úng, kéo theo giống lúa khan hiếm, buộc gia đình ông phải dùng lúa thương phẩm để gieo sạ. Biết sử dụng lúa thương phẩm làm lúa giống sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, sản lượng nhưng đó cũng là cách duy nhất để chạy kịp thời vụ trong điều kiện thời tiết như hiện nay.

Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana cho biết, theo kế hoạch giao vụ hè thu năm 2022 toàn huyện gieo trồng gần 7.900 ha cây trồng các loại, riêng lúa nước là 6.431 ha. Đến cuối tháng 5/2022 đã thực hiện 1.552 ha, do mưa lớn kéo dài vào một số ngày trong tháng khiến hàng trăm héc-ta cây trồng bị ngập úng. Ngoài việc khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương xuống giống gieo trồng lại cho kịp thời vụ, mới đây Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TCKN) huyện cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Ban PCTT-TCKN tỉnh xem xét, hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp cho các hộ dân bị thiệt hại để khôi phục sản xuất..

Xuân Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.