Multimedia Đọc Báo in

Người trồng xoài Ea Súp lao đao vì thời tiết thất thường

06:34, 22/12/2022

Nhiều hộ trồng xoài trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) đang thấp thỏm "đứng ngồi không yên" vì xoài rụng hàng loạt do gió lớn, gây thất thu, đặc biệt khi Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề.

Những ngày qua, gia đình chị Nguyễn Thị Quyên (thôn 14, xã Ya Tờ Mốt) tất bật trong rẫy để nhặt xoài rụng. Vườn xoài Úc đã trồng bốn năm, với diện tích hơn 3 ha và đây là năm bước vào kỳ thu hoạch chính nên gia đình chị đã tích cực chăm bón, trông chờ vào thu nhập vụ mùa này. Tuy nhiên, trái với mong đợi, vừa qua trên địa bàn xuất hiện những cơn gió mạnh cả ngày lẫn đêm khiến vườn xoài của gia đình chị rụng gần hết.

Vừa cặm cụi nhặt xoài rụng, chị Quyên vừa than thở: “Dù trái vụ nhưng tỷ lệ xoài ra hoa đậu trái đợt này khá nhiều, gia đình chưa kịp vui mừng thì thời tiết biến đổi thất thường, khiến khoảng 70 – 80% lượng quả trên cây đã bị rụng. Gia đình đành ngậm ngùi thu dọn những quả rụng này bỏ đi cho sạch vườn. Tưởng rằng sẽ bán được với giá cao, dư dả được chút ít để tiêu Tết, nào ngờ vốn bỏ ra đầu tư cho vườn giờ không thu hồi được”.

Vườn xoài của gia đình chị Nguyễn Thị Quyên (thôn 14, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) bị rụng hàng loạt.

Cũng như gia đình chị Quyên, nhiều hộ trồng xoài trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt hiện đang “than trời” vì vườn xoài trái rụng đầy gốc. Trồng xoài đã 6 năm, nhưng đây là lần đầu tiên gia đình ông Nguyễn Trọng Minh (thôn 1) gặp phải tình cảnh như năm nay. Gia đình ông có 2 sào đất trồng xoài các loại như: xoài Úc, xoài Đài Loan, xoài Thái. Mỗi năm thu được khoảng gần 3 tấn quả, mỗi quả trọng lượng từ 0,8 – 1 kg, giá bán trung bình 10.000 – 20.000 đồng/kg là nguồn thu chính của gia đình. Tuy nhiên, những ngày qua xoài rụng khá nhiều, ông và con gái đã phải nhặt khoảng 5 tạ xoài và dồn thành đống để trước sân nhà. Do xoài chưa đủ độ già nên rất khó bán, ông chỉ đành nhặt rồi mang cho người thân, hàng xóm.

Tương tự, Hợp tác xã Cây ăn trái Vang Thanh Ea Súp đóng trên địa bàn xã có 10 ha xoài Úc và xoài Đài Loan, trong đó có 3 ha xoài Úc của 3 hộ dân, sẽ cho thu hoạch trái vụ vào gần Tết Nguyên đán này. Tuy nhiên, đợt gió lớn vừa qua đã làm rụng khoảng 5 tấn quả ở các vườn này. Để giúp nông dân vớt vát chút vốn, hợp tác xã đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ được khoảng 7 tạ xoài rụng, có trọng lượng từ 3 – 7 lạng/quả, với giá 2.000 – 5.000 đồng/kg. Theo nhận định của ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã, lượng quả còn lại trên cây ở các vườn hầu như đầu cuống đều bị ảnh hưởng nặng, đến thời điểm thu hoạch cũng không còn bao nhiêu. Vụ mùa năm nay người trồng xoài coi như trắng tay.

Vườn xoài của gia đình ông Nguyễn Trọng Minh (thôn 1, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) có nguy cơ thất thu vụ này.

Ông Vũ Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt cho biết, cây xoài phát triển trên địa bàn xã khoảng 10 năm nay, đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thời tiết không thuận lợi và ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá xoài giảm mạnh, thêm vào đó, đầu ra cho sản phẩm phụ thuộc vào sức mua của thương lái nên thu nhập của người trồng xoài càng bấp bênh. Hiện toàn xã có khoảng 400 ha xoài, chủ yếu là các giống xoài: Úc, Thái xanh, Đài Loan và cát Hòa Lộc, được trồng tập trung ở các thôn 1, 12 và thôn 14…

Trong hai ngày 17 và 18 vừa qua xuất hiện những đợt gió thổi mạnh, gây gãy đổ cây trồng và khiến nhiều diện tích xoài dự kiến thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới bị rụng hàng loạt. Số lượng xoài rụng đều là quả non, không ai thu mua nên đa phần người dân đều vứt bỏ. Ước tính các vườn xoài chỉ còn khoảng 30 – 40% lượng quả trên cây, khiến người trồng xoài thua lỗ lớn trong vụ này. Hiện xã đang thống kê diện tích xoài thiệt hại để báo lên cấp trên có hướng hỗ trợ bà con.

Huyền Diệu – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.