Multimedia Đọc Báo in

Phối hợp xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cà phê niên vụ 2024 - 2025

12:31, 05/11/2024

Ngày 4/11, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2024–2025.

Chỉ thị nêu rõ, hiện nay giá cà phê nhân đang ở mức rất cao, không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người trồng mà còn tạo thêm nguồn lực để nông dân đầu tư chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, phát triển bền vững ngành hàng nông nghiệp chủ lực này.

Theo đó, để đảm bảo cho thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2024-2025 đạt hiệu quả cao, hạn chế tình trạng thu hái cà phê xanh, non, UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cà phê; xử lý nghiêm những trường hợp trộm cắp cà phê và các đối tượng tự tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.

Nông dân hái cà phê đạt tỷ lệ chín cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Nông dân hái cà phê đạt tỷ lệ chín cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Đề nghị Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk chủ động phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu mua, tiêu thụ cà phê; ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi ép giá, ép cân để trục lợi.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm: Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn lập kế hoạch và tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê đến kỳ thu hoạch; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 85%; trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%; có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp thu hái, mua bán cà phê non. Đồng thời, hướng dẫn người dân chuẩn bị sân phơi, máy sấy phòng trường hợp thời điểm thu hoạch mưa kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cà phê;

Phối hợp với Sở NN-PTNT và các sở, ngành liên quan tuyên truyền, vận động nông dân không tự phát mở rộng diện tích cà phê, tăng cường áp dụng các biện pháp thâm canh, cải tạo diện tích cà phê hiện có theo xu hướng sản xuất cà phê bền vững...

Nâng cao chất lượng chế biến sau thu hoạch của các trang trại cà phê chất lượng cao.
Nâng cao chất lượng chế biến sau thu hoạch của các trang trại cà phê chất lượng cao.

Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương trong việc kiểm soát chất lượng cà phê đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ ở các thị trường. Sở Công Thương thường xuyên thực hiện công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành phố trong cả nước; dự báo tình hình diễn biến thị trường để thông tin kịp thời, chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp khi thị trường cà phê có những biến động bất thường nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê trong niên vụ cà phê 2024-2025.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.