Multimedia Đọc Báo in

Mong manh những cánh rừng pơ mu (kỳ 2)

08:07, 20/08/2021

Nhọc nhằn “cuộc chiến” giữ rừng pơ mu

Sống ở nơi núi cao hiểm trở, cây pơ mu âm thầm chắt chiu cho mình những tinh túy của đất trời vào từng thớ gỗ. Chính những thớ gỗ mịn, vân gỗ nhiều và mùi thơm tinh dầu thoang thoảng, khiến chúng trở thành món hàng được lâm tặc săn lùng gắt gao, bất chấp địa hình núi non vô cùng hiểm trở.

Những cuộc "tàn sát" pơ mu

Như một “miếng bánh” ngon còn sót lại, tiểu khu 1219 là nơi lâm tặc thường xuyên dòm ngó để khai thác trộm những cây pơ mu quý hiếm. Chúng lập thành từng nhóm, canh chừng khi không có lực lượng chức năng là nhanh chóng hạ cây, xẻ hộp đưa ra ngoài. Liên tục nhiều vụ khai thác pơ mu với số lượng lớn đã diễn ra trong những năm gần đây khiến số lượng loài cây này ngày một suy giảm.

Có mặt tại tiểu khu 1219, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh hàng chục cây pơ mu bị lâm tặc đốn hạ nằm chỏng chơ giữa rừng già. Những thân cây đường kính 2 - 3 người ôm bị "xẻ thịt" lấy đi phần thân gỗ tốt, để lại cơ man nào là cành ngọn, bìa gỗ, gốc. Và còn có những cây pơ mu lâm tặc đốn hạ nhưng chưa kịp lấy đi nằm đổ rạp đè lên đám cây rừng khác làm trống cả một khoảnh rừng. Xung quanh khu vực cây pơ mu bị khai thác là chi chít hàng chục con đường mòn với những dấu vết của người qua lại và đường di chuyển của trâu kéo gỗ. Đây chính là “vết thương” gây ra cho xứ sở pơ mu 1219 sau những đợt ra tay hạ sát với quy mô lớn của lâm tặc.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông kiểm tra hiện trường một cây pơ mu bị lâm tặc đốn hạ tại tiểu khu 1219

Cụ thể vào tháng 4-2020, lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (Công ty) trong quá trình tuần tra đã phát hiện tại tiểu khu 1219 có 19 cây gỗ pơ mu bị cưa hạ. Trong đó, 1 cây đã bị lấy đi phần thân, 3 cây đã cắt thành đoạn ngắn, 15 cây còn nguyên tại hiện trường. Trước đó, vào tháng 2-2019, lực lượng của Công ty phát hiện tại tiểu khu 1219 có 24 cây pơ mu đường kính thân cây từ 30 - 60 cm bị đốn hạ. Qua kiểm đếm, 16 cây đã bị lâm tặc lấy đi những phần gỗ đẹp, chỉ còn sót lại phần cành, ngọn, 5 cây mới chỉ lấy một phần thân, 3 cây khác vẫn còn nguyên, lâm tặc chưa kịp xẻ phách để đưa gỗ ra khỏi rừng. Và vào tháng 9-2018 cũng tại tiểu khu này, lực lượng chức năng phát hiện có 48 cây pơ mu bị cắt hạ.

Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết, để lấy được gỗ từ những dãy núi cao, nơi không có một phương tiện cơ giới nào có thể vào được, lâm tặc bất chấp nguy hiểm gùi từng phách gỗ đưa ra khỏi rừng. Theo đó, gỗ sau khi xẻ phách, lâm tặc buộc dây gùi lên vai. Mỗi người gùi một phách gỗ có trọng lượng từ 60 - 70 kg rồi cắt rừng đưa gỗ ra ngoài.

Để đưa được một phách gỗ lớn, cồng kềnh trên vai ra khỏi rừng, vượt qua những vách núi đá cheo leo, "lâm tặc" đối mặt với rất nhiều rủi ro, chỉ một cái sảy chân có khi phải đánh đổi cả tính mạng. Tuy nhiên sức hút lợi nhuận mà gỗ pơ mu mang lại khiến nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm. Ngoài ra, để vận chuyển những phách gỗ pơ mu lớn, lâm tặc còn dùng trâu để kéo. Với cách thức khai thác, vận chuyển này, lâm tặc đưa gỗ ra khỏi rừng từ nhiều hướng, khiến việc phát hiện, xử lý rất khó khăn.

Dốc sức bảo vệ rừng quý

Tiểu khu 1219 nằm giáp ranh với các xã Cư Drăm, Cư Pui, Yang Mao (huyện Krông Bông) – nơi đời sống của người dân còn khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu vẫn phụ thuộc vào rừng dẫn đến việc nhiều loại lâm sản bị lén lút khai thác, đặc biệt là gỗ pơ mu.

Công an huyện Krông Bông kiểm đếm gỗ pơ mu vận chuyển trái phép xảy ra trong lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.

Ở khu vực này, có những ngày lực lượng bảo vệ rừng của Công ty phải vận động, ngăn chặn cả trăm người dân mang phương tiện vào rừng khai thác lâm sản, nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. “Vào rừng vài ngày gùi một tấm gỗ pơ mu ra khỏi rừng cũng bán được tiền triệu, một khoản thu nhập không dễ gì kiếm được ở đây. Vì vậy, đẩy lùi vấn nạn khai thác gỗ nói chung và pơ mu nói riêng vô cùng khó khăn, áp lực”, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cho hay.

Trước những áp lực nặng nề đe dọa an toàn của những cánh rừng pơ mu, Công ty đã tăng cường lực lượng để chốt chặn, tuần tra kiểm soát tại tiểu khu 1219. Giữa năm 2020, Công ty thành lập một chốt chặn ngay tại tiểu khu 1219 và bố trí 14 nhân viên bảo vệ rừng thường xuyên thay ca nhau để trực giữ rừng. Bên ngoài bìa rừng nơi giáp với khu dân cư, Công ty lập chốt chặn trên các đường mòn dẫn vào tiểu khu 1219 tại tiểu khu 1206 (thuộc xã Cư Drăm) và tiểu khu 1212 (xã Yang Mao) để ngăn chặn việc vận chuyển gỗ ra ngoài.

ông ty đang quản lý hơn 24.500 ha rừng với 64 nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng, nhưng chỉ với 1.400 ha rừng tại tiểu khu 1219 đơn vị đã phải bố trí đến 14 nhân viên đảm đương nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, qua đó cũng thấy được sự áp lực và khó khăn. Chưa hết, để duy trì hoạt động của chốt chặn ở tiểu khu 1219, bình quân mỗi năm Công ty phải bỏ ra kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng, trong khi nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng ở đây chỉ thu về khoảng 500 triệu đồng. Do đó, Công ty phải bù vào hơn 1 tỷ đồng mới duy trì hoạt động được.

“Cũng phải chật vật lắm chúng tôi mới có kinh phí để duy trì công tác bảo vệ khu vực rừng này. Tuy nhiên, trước áp lực lâm tặc thường xuyên lăm le vào khai thác pơ mu thì việc bố trí người canh pơ mu ngay dưới gốc là phương án hữu hiệu nhất. Chính vì vậy, về lâu dài rất cần Nhà nước hỗ trợ thêm nguồn kinh phí đặc thù, có như vậy mới đảm bảo tài chính, lực lượng để bảo vệ an toàn những cánh rừng pơ mu quý hiếm", ông Tuấn chia sẻ.

Lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông tuần tra bảo vệ rừng.

Cùng với chủ rừng, trước diễn biến phức tạp của tình trạng phá rừng, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản, đặc biệt là các loài gỗ quý tại địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nghiệp vụ, đặc biệt tăng cường đấu tranh độc lập của lực lượng công an đối với các loại tội phạm. Đối với những "điểm nóng" về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật như việc khai thác trái phép gỗ pơ mu, địa phương đã nhiều lần thành lập các đoàn liên ngành tổ chức chốt chặn, kiểm tra để xử lý.

Theo ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, trong thời gian tới UBND huyện sẽ chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục đấu tranh, phải tìm ra được những “đầu nậu” gỗ để xử lý trước pháp luật, kể cả những cá nhân, tổ chức có liên quan nếu tiếp tay cho lâm tặc cũng phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó giao các lực lượng chức năng của địa phương tiến hành rà soát những cơ sở gỗ dân dụng trên địa bàn nếu không đủ điều kiện hoạt động phải thu hồi giấy phép, tránh việc lợi dụng giấy phép hoạt động để tham gia vận chuyển, mua bán gỗ tự nhiên.

Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.