Vườn Quốc gia Yok Đôn: Nghiên cứu chọn giống và trồng thử nghiệm loài trắc
Trắc là một loài gỗ quý, có giá trị kinh tế rất cao. Những năm gần đây, cây trắc ở Việt Nam nói chung và các tỉnh Tây Nguyên đang bị khai thác trái phép một cách nghiêm trọng, suy giảm nhanh về số lượng.
Là một trong những khu vực có sự phân bố của loài cây quý hiếm này, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn đang triển khai đề tài nghiên cứu chọn giống và trồng thử nghiệm loài trắc.
Theo ông Nguyễn Hữu Tạo, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn, hiện nay, trong khu vực Vườn quản lý và bảo vệ có khoảng 200 cây trắc đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu như không kịp thời bảo tồn thì trong tương lai giống cây này sẽ không còn tồn tại. Chính vì vậy, cùng với tăng cường quản lý, bảo vệ những cây trắc trong khu vực, VQG Yok Đôn còn triển khai nghiên cứu chọn giống và trồng thử nghiệm loài cây này.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Hiếu (bìa phải) cùng các cộng sự đánh giá mức độ sinh trưởng của cây trắc. |
Đặc trưng của rừng tại VQG Yok Đôn là rừng thưa cây lá rộng, rụng lá theo mùa (rừng khộp), sự phân bố loài trắc tại đây cũng có sự khác biệt so với vùng khác là thường nằm trên các ngọn đồi cao, giáp ranh giữa rừng khộp với rừng bán thường xanh. Đến mùa khô, cây trắc sẽ cho quả chín và rụng xuống đất để nhân giống theo quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, mùa khô cũng là lúc lớp thực bì của rừng khộp cháy và lửa thường lan sang các khu vực sinh trưởng cây trắc và làm hư hỏng một phần quả giống; số quả giống còn lại, nếu nảy mầm, sinh trưởng thành cây con trong năm đó thì qua năm sau, lửa rừng khộp tiếp tục lướt qua, làm những cây con này vẫn bị cháy khiến tỷ lệ tái sinh của cây trắc trong tự nhiên rất thấp.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Phó phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Yok Đôn cho biết: Mục tiêu của đề tài nghiên cứu chọn giống và trồng thử nghiệm loài cây trắc là nhằm đánh giá được một số đặc điểm lâm học của cây trắc tại VQG Yok Đôn; xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống trắc; chọn được cây mẹ tốt và khảo nghiệm hậu thế, kết hợp bảo tồn loài trắc và thử nghiệm một số biện pháp kỹ thuật trồng trắc tại VQG Yok Đôn.
Hơn 6.000 cây trắc được Vườn Quốc gia Yok Đôn nhân giống thành công. |
Để thực hiện đề tài, cán bộ VQG Yok Đôn phải đã băng rừng, vượt suối, ở lại trong rừng để thu hái quả giống. Sau khi quả giống được thu hái và xử lý, các bước thí nghiệm về tỷ lệ nảy mầm được tiến hành như thí nghiệm sử dụng công thức ngâm với nhiệt độ khác nhau và thời gian khác nhau, từ đó rút ra được tỷ lệ ngâm quả giống đạt tỷ lệ nảy mầm cao nhất. Tiếp đến là thí nghiệm thành phần của ruột bầu, với nhiều công thức của ruột bầu, tương ứng với tỷ lệ đất và phân bón khác nhau để đánh giá cây con phát triển tốt nhất. Sau đó là thí nghiệm công thức che sáng, theo các tỷ lệ che sáng khác nhau như 25%, 50%, 75% và không che để đánh giá được vị trí cây sinh trưởng tốt nhất khi gieo ươm.
Sau hơn 3 tháng thử nghiệm gieo ươm, tỷ lệ nảy mầm và sinh trưởng cây trắc tại VQG Yok Đôn đạt trên 90%. Hiện tại, Vườn đã nhân giống thành công hơn 6.000 cây trắc. Sau khi ươm thành công sẽ bố trí xây dựng khảo nghiệm hậu thế trên diện tích 1 ha để theo dõi, chăm sóc, từ đó lựa chọn những cây sinh trưởng tốt chọn làm cây mẹ để tạo thành một vườn giống. VQG Yok Đôn cũng sẽ nghiên cứu và xác định những điểm đất phù hợp để nhân rộng cây trắc trong Vườn và xung quanh các vùng đệm.
Nguyễn Ngọc Lân
Ý kiến bạn đọc