Multimedia Đọc Báo in

Đổi rác lấy... cây xanh

08:12, 03/08/2022

Huyện Đoàn Krông Năng phối hợp với Hội LHTN Việt Nam huyện và Câu lạc bộ Kỹ năng thanh niên huyện triển khai Chương trình “Đổi rác lấy cây xanh”, qua đó góp phần lan tỏa ý thức người dân về phòng, chống rác thải nguy hại, trồng cây xanh tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Bắt đầu từ giữa tháng 7/2022, Chương trình “Đổi rác lấy cây xanh”, “Triệu cây xanh -  Vì một Việt Nam xanh” được các đơn vị triển khai tại địa chỉ 49 Trần Hưng Đạo (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng). Theo đó, đoàn viên thanh niên hoặc người dân mang các loại rác thải có thể tái chế được, như: giấy vụn, hộp giấy, vỏ lon bia… đến điểm tổ chức để đổi lấy cây xanh (sen đá hoặc hoa giấy). Ngay khi chương trình được triển khai, hằng ngày có rất nhiều người dân, các bạn trẻ, học sinh đến đổi và nhận về những chậu cây xanh mini xinh xắn về trồng. Tùy vào số lượng rác mọi người mang đến sẽ quy đổi ra số lượng cây khác nhau, như: 26 vỏ lon bia, 2 kg chai nhựa đổi 1 cây xanh (sen đá hoặc hoa giấy); 2 kg lon bia, 5 kg giấy vụn sẽ nhận được 2 cây xanh...

Chương trình “Đổi rác lấy cây xanh” được Huyện Đoàn Krông Năng phối hợp với Hội LHTN Việt Nam huyện và Câu lạc bộ Kỹ năng thanh niên huyện tổ chức.

Theo anh Y Rô Ya Niê, Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Krông Năng, do lần đầu tiên tổ chức nên chương trình được triển khai ở quy mô nhỏ. Hiện nay, gian hàng của Ban tổ chức mới chỉ có 2 giống cây xanh là sen đá và hoa giấy.

 

“Hoạt động này được tổ chức với mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên và người dân về bảo vệ môi trường. Chúng tôi mong muốn mọi người phân loại rác, hạn chế rác thải ra môi trường đến mức thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, chúng ta hãy cùng nhau tạo ra nhiều mảng xanh hơn qua việc trồng cây xanh” - Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Krông Năng Y Rô Ya Niê.

Toàn bộ số cây xanh do Đoàn Thanh niên huy động sự ủng hộ từ các chủ vựa cây cảnh trong và ngoài huyện, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ bằng tiền mặt rồi dùng tiền đó mua cây xanh triển khai chương trình. Toàn bộ số tiền thu được thông qua chương trình được dùng để mua các phần quà ý nghĩa tặng gia đình chính sách, hộ có công với cách mạng và Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện dịp 27/7.

Là một trong những người đến đổi rác thải nhựa lấy cây xanh về trồng, bạn Nông Thị Quỳnh (trú xã Ea Toh) cho biết: “Đây là một hoạt động rất ý nghĩa, lan tỏa được lối sống xanh - sạch - đẹp đến với mọi người. Thấy nhà còn nhiều giấy không sử dụng đến và nhiều vỏ lon bia vứt bừa bãi nên tôi gom lại rồi đem đến đổi lấy những cây sen đá, hoa giấy, vừa để ủng hộ các bạn, vừa có cây xanh làm đẹp thêm cho ngôi nhà của mình. Tôi mong muốn, thời gian tới, các cấp bộ đoàn, hội tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa, bổ ích như thế này để lan tỏa cái đẹp, góp phần xây dựng cảnh quan đẹp, bảo vệ môi trường”.

Tương tự, nhận thấy đây là mô hình ý nghĩa, anh Nguyễn Trường Vinh (thị trấn Krông Năng) cũng mang lon bia, giấy vụn đến đổi cây xanh. Anh Vinh chia sẻ, lúc đầu anh cũng khá ái ngại với việc mang rác đến đổi cây xanh nhưng thấy được ý nghĩa của chương trình này, vừa giảm thiểu việc vứt rác bừa bãi, vừa làm được những việc ý nghĩa cho cộng đồng, vừa có thành quả mang về nên cũng phấn khởi và hết lòng ủng hộ.

Đoàn viên thanh niên mang rác thải tái chế đến đổi lấy cây xanh.  

Không chỉ có đoàn viên thanh niên và người lớn mà còn có rất nhiều em học sinh cũng mang sách báo cũ và thùng giấy đã qua sử dụng đến đổi cây xanh. Mặc dù số lượng lon bia, cũng như trọng lượng giấy vụn của các em chưa đủ nhưng trước sự nhiệt tình đó thì các thành viên Ban tổ chức đã linh động tiến hành nhanh chóng công tác trao đổi. Bên cạnh đó, có một số người đi thu gom phế liệu đi qua thấy vậy cũng vào để chia sẻ.

Mỗi ngày, các thành viên trong Ban tổ chức mô hình dậy sớm đi nhận cây xanh, sau đó thay phiên nhau túc trực tại địa điểm triển khai chương trình, nhanh tay cân đo, đong đếm từng lon bia, từng ki-lô-gam giấy vụn… Dù làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, lại luôn thường trực để đón tiếp người đến đổi cây nhưng trên gương mặt các thành viên trong Ban tổ chức luôn niềm nở, bởi họ hiểu rằng hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, giúp môi trường xanh và sạch hơn.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.