Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ Công an huyện Lắk “chống” rác thải nhựa

08:27, 09/08/2024

Thời gian qua, Đoàn cơ sở Công an huyện Lắk đã phát huy sức trẻ, sáng tạo thực hiện các mô hình “chống” rác thải nhựa thiết thực, góp phần lan tỏa hành động bảo vệ môi trường tại địa phương.

Đổi rác thải tái chế lấy cây xanh

Từ đầu tháng 3/2024, Đoàn cơ sở Công an huyện đã tổ chức hoạt động “Đổi rác thải tái chế nhận cây xanh” tại cổng chợ thị trấn Liên Sơn.

Theo đó, đoàn viên thanh niên và người dân mang rác thải nhựa, kim loại, giấy vụn, lon bia… đến đổi sẽ nhận được cây xanh về trồng. Những cây xanh này được đoàn viên thanh niên của đơn vị tuyển chọn kỹ lưỡng từ vườn ươm tại địa phương nên khả năng sinh trưởng tốt.

Cứ 3 kg rác thải nhựa hay 2 kg kim loại, người dân có thể đổi được 1 cây sen đá hoặc 1 cây cẩm tú cầu. Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng hoạt động này đã thu hút đông đảo người dân, học sinh trên địa bàn đến nhận những chậu cây nhỏ xinh về trồng và thu đổi được trên 100 kg rác thải tái chế.

Đoàn cơ sở Công an huyện Lắk triển khai chương trình “Đổi rác thải tái chế nhận cây xanh” .

Sau khi nghe thông tin về chương trình, em Nguyễn Gia An (SN 2010, buôn Jun, thị trấn Liên Sơn) đã háo hức nhặt chai nhựa, vỏ lon và sách vở cũ của năm học trước để đổi cây xanh. Em chia sẻ, bản thân rất vui vì không nghĩ những rác thải vứt đi lại có giá trị quy đổi được cây sen đá yêu thích để đặt ở góc nhỏ học tập. Sau khi đổi được sen đá về chăm sóc, em đã tiếp tục thu gom rác thải nhựa và kêu gọi bạn bè cùng thực hiện hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường này.

 

Thời gian tới, Huyện Đoàn Lắk sẽ khuyến khích triển khai, nhân rộng các mô hình "chống" rác thải nhựa, đồng thời tiếp tục thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả như: camera xóa "điểm đen" rác thải, thùng thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật, thùng rác xanh tại các điểm đông dân cư, trường học…" - Bí thư Huyện Đoàn Lắk Phạm Ngọc Thắng.

 
 

Theo Thượng úy Nguyễn Thị Như Quỳnh, Bí thư Đoàn cơ sở Công an huyện Lắk, thực tế mỗi ngày các gia đình đều sử dụng và thải ra rất nhiều rác thải các loại. Thế nhưng, tại địa phương rất ít gia đình có ý thức phân loại rác thải để xử lý mà thường vứt thẳng ra môi trường gây ô nhiễm, không thể phân hủy trong thời gian dài. Bởi vậy, đơn vị triển khai hoạt động này nhằm tạo giá trị cho rác thải nhựa, giúp người dân dần thay đổi thói quen, nhận thức về việc phân loại rác, dần xây dựng lối sống tích cực trong bảo vệ môi trường và lan tỏa phong trào trồng cây xanh. Tất cả những loại rác thu đổi được, đoàn cơ sở sẽ bán cho cửa hàng thu mua phế liệu để xây dựng quỹ triển khai các mô hình "chống" rác thải nhựa tiếp theo.

Hành trình thứ hai của lốp xe

Song song với hoạt động “Đổi rác thải tái chế nhận cây xanh”, cuối tháng 6/2024 vừa qua, Đoàn cơ sở Công an huyện Lắk còn thực hiện mô hình “Hành trình thứ hai của lốp xe”.

Với sự sáng tạo và đôi tay khéo léo, đoàn viên thanh niên đã "biến" những chiếc lốp xe cũ thành biển cảnh báo phòng, chống đuối nước để hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em của Công an huyện phát động.

Theo đó, đoàn viên thanh niên mua các lốp xe đã hỏng về sơn màu làm khung, cắt tấm nhôm alu sơn màu xanh làm mặt biển báo, in logo và chữ màu với nội dung tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em và cảnh báo các khu vực nước sâu nguy hiểm.

Sau đó, đơn vị triển khai lắp đặt tại bến thuyền Lắk Tented Camp (thị trấn Liên Sơn), nơi có nhiều khách du lịch, trẻ em đến chụp ảnh, vui chơi để tuyên truyền cho người dân.

Đoàn viên Đoàn cơ sở Công an huyện Lắk lắp đặt biển báo tái chế bằng lốp xe tại bến thuyền Lắk Tented Camp (thị trấn Liên Sơn).

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh chia sẻ, việc “tái sinh” những chiếc lốp xe cũ sẽ mang đến “hành trình mới” đầy ý nghĩa, góp phần lan tỏa hành động bảo vệ môi trường. Những chiếc biển báo bằng lốp xe không chỉ giúp thông điệp đến gần hơn với người dân mà còn nâng cao ý thức của mọi người trong việc tái chế rác thải thành sản phẩm hữu ích.

Thời gian tới, sau khi hoàn thiện đường vành đai bờ hồ tại buôn Jun (thị trấn Liên Sơn), đoàn cơ sở sẽ tiếp tục triển khai mô hình này với khoảng 10 - 15 biển báo mang các thông điệp ý nghĩa khác nhau để khuyến cáo người dân.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.