Multimedia Đọc Báo in

Chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, doanh nghiệp phải bồi thường hàng trăm triệu đồng

09:11, 10/10/2021

Mới đây, TAND tỉnh đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ kiện tranh chấp lao động, trong đó nguyên đơn là một giáo viên dạy lái xe và bị đơn là một trung tâm đào tạo lái xe, nơi nguyên đơn đã từng làm việc.

Theo đó, vào đầu tháng 10-2019, Trung tâm đào tạo lái xe ra quyết định cho ông T.N.V. nghỉ việc vì không bố trí được công việc do sắp xếp lại tổ chức của một tổ dạy lái xe.

Ảnh Internet
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trước đó, trung tâm thông báo cho ông V. tạm nghỉ 45 ngày được hưởng lương cơ bản; nếu sau 45 ngày không bố trí được công việc thì cho ông V. nghỉ việc. 10 tháng sau ngày chính thức nghỉ việc, ông V. làm đơn kiện ra TAND TP. Buôn Ma Thuột, cho rằng trung tâm dạy lái xe chấm dứt hợp đồng lao động với ông là không đúng quy định của pháp luật và yêu cầu được bồi thường thiệt hại. Tháng 7-2021, TAND TP. Buôn Ma Thuột xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc phía trung tâm bồi thường cho ông V. tổng số tiền 167 triệu đồng (số tròn) vì chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Phía bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án lên phúc thẩm.

Cuối tháng 9 vừa qua, TAND tỉnh xử phúc thẩm xác định: Trung tâm đào tạo lái xe áp dụng Điều 44 Bộ luật Lao động để chấm dứt hợp đồng lao động với ông V. là trái pháp luật, vì Điều 44 chỉ áp dụng đối với trường hợp “Thay đổi cơ cấu công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều lao động…”. Còn ở trường hợp này trung tâm chỉ ban hành quyết định chấm dứt lao động đối với một mình ông V. trong khi ông V. vẫn đủ sức khỏe để làm việc, luôn hoàn thành nhiệm vụ và không vi phạm nội quy, quy chế của trung tâm. Và mặc dù trung tâm áp dụng Điều 44 Bộ luật Lao động để chấm dứt hợp đồng lao động với ông V. nhưng lại không giải quyết trợ cấp mất việc cho ông V. theo Điều 49 của Bộ luật Lao động.

Từ nhận định trên, án phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo của trung tâm đào tạo lái xe, giữ nguyên án sơ thẩm với nội dung: hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và buộc Trung tâm nhận ông T.N.V. trở lại làm việc cũng như đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm cho ông V. trong thời gian ông V. không được làm việc; bồi thường cho ông V. các khoản: tiền lương trong thời gian bị nghỉ việc (bao gồm cả lương tháng 13) tính từ khi có quyết định nghỉ việc đến ngày xét xử sơ thẩm, tiền bồi thường chấm dứt hợp đồng lao động trái luật (tương đương 2 tháng lương)… tổng cộng 167 triệu đồng.

Như vậy, chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật về lao động mà doanh nghiệp phải tốn kém hàng trăm triệu đồng. Đây là bài học cho các chủ doanh nghiệp: tôn trọng người lao động cũng chính là tôn trọng pháp luật.

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.