Dùng quan tài gây sức ép đòi nợ: Phản cảm, dễ bị phạt tù
Khi phát sinh mâu thuẫn liên quan đến tiền bạc, người đòi nợ có thể dùng nhiều hình thức đòi nợ khác nhau trong khuôn khổ pháp luật và thuần phong mỹ tục. Thế nhưng mới đây, tại huyện Ea Kar xảy ra việc dùng quan tài để đòi nợ gây xôn xao dư luận.
Chuyên gia tư vấn pháp luật cho rằng hành vi này rất phản cảm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Sự việc mang quan tài đi đòi nợ xảy ra vào ngày 15/2, tại buôn Ea Druôl (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) gây xôn xao dư luận. Cụ thể, một nhóm người đã mang quan tài đặt trước nhà chủ hụi (một hình thức huy động vốn) rồi mở nhạc đám ma để đòi tiền. Nhóm người này cho rằng, chủ hụi cầm hàng chục tỷ đồng của nhiều người nhưng không đưa cho người khác khi đến lượt.
Nhiều lần hứa trả nhưng không thực hiện nên nhóm người này mới có hành động như trên. Sự việc xảy ra thu hút nhiều người hiếu kỳ đến xem tạo thành đám đông giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng đã đến hiện trường tuyên truyền, vận động thì nhóm người này mới rời đi. Vụ việc đang được lực lượng công an xác minh, xử lý theo pháp luật.
Nhóm người mang quan tài đến đặt trước nhà chủ hụi ở huyện Ea Kar. Ảnh cắt clip |
Việc mang quan tài đi đòi nợ thu hút nhiều người đến xem sau đó được chia sẻ trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng, cách đòi nợ trên là “ác” khi "trù ẻo" người khác gặp "xui xẻo". Bởi, quan tài, nhạc đám ma chỉ xuất hiện khi có người mất. Về mặt tâm linh, việc “tặng” quan tài đến nhà người khác chẳng khác nào "trù ẻo" họ. Do đó, việc dùng quan tài để đi đòi nợ, gây sức ép buộc người bị nợ phải tìm cách giải quyết là rất phản cảm và tiêu cực.
Dưới góc độ pháp lý, việc dùng quan tài vào mục đích như trên còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hành vi mang quan tài đến nhà người khác, mở nhạc đám ma rồi tập trung đông người để buộc chủ nợ thực hiện theo yêu cầu là hành vi phản cảm.
Không cần biết hành vi này sử dụng vì mục đích gì nhưng rõ ràng quan tài và nhạc đám ma chỉ dành cho người đã chết chứ không dành cho người còn sống. Việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì không ai có quyền sử dụng biện pháp phản cảm, không được pháp luật cho phép. Việc tập trung đông người mang quan tài mở nhạc đám ma để đòi nợ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Vụ việc mang quan tài đi đòi nợ thu hút nhiều người hiếu kỳ đến xem. Ảnh cắt clip |
Theo Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình thì người vi phạm bị xử phạt hành chính với mức từ 100.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm.
Tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội gây rối trật tự công cộng thì người vi phạm tùy tính chất, mức độ mà bị xử phạt từ 5.000.000 đồng - 50.000.000 đồng, phạt tù mức cao nhất lên đến 7 năm.
Theo luật sư Sơn, việc vay mượn tiền thuộc về giao dịch dân sự, khi xảy ra mâu thuẫn về tiền bạc, người cho vay cần đòi nợ thì phải khởi kiện đến tòa án để được giải quyết. Người đòi nợ không được dùng các hành động như đe dọa, uy hiếp tinh thần chủ nợ bằng mọi cách để đòi nợ. Nếu không tuân thủ quy định của pháp luật mà sử dụng các phương cách vi phạm pháp luật thì người đi đòi nợ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đã phân tích ở trên.
Cẩm Anh
Ý kiến bạn đọc