Multimedia Đọc Báo in

Bộ Công an Hội thảo khoa học về hai dự án Luật

17:16, 14/03/2022

Ngày 14/3, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” theo hình thức trực tuyến từ hội trường Bộ Công an đến hội trường Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo. Chủ trì Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; Giám đốc Công an tỉnh, Thiếu tướng Lê Vinh Quy.

rtg
Hội thảo trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước (Ảnh chụp màn hình ti vi).

Phát biểu tại Hội Thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đây là các dự án luật rất quan trọng góp phần thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “... Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”, cụ thể hóa các quy định tại các Điều 46, 64, 68 của Hiến pháp năm 2013, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong tình hình mới; tạo cơ sở pháp lý để huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

xc
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tại hội hảo (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an).

Từ thực tiễn, những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự đều xuất phát từ địa bàn cơ sở, ban đầu là những vấn đề mâu thuẫn xã hội, nếu không được phát hiện, phòng ngừa, quản lý, giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, phát triển thành “xung đột xã hội”, tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự, cuộc sống của người dân và an ninh con người, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tại một vùng, liên vùng và toàn quốc. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính một bộ phận người dân tại địa bàn cơ sở trước những tác động trái chiều, sự lôi kéo, hướng lái, kích động của các đối tượng xấu, thế lực thù địch và các loại tội phạm...

Giao thông là lĩnh vực lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, trong đó an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự xã hội. Việc ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ thể chế đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ phát triển hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; quy định đầy đủ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan cả hai lĩnh vực này.

zx
Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập, đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định việc xây dựng Luật này không vì lợi ích riêng của Bộ, ngành mà vì lợi ích chung của đất nước và của toàn dân, bảo vệ lợi ích của chính các lực lượng bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân đều có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất ban hành, hoàn thiện chính sách pháp luật. Đồng thời khẳng định Bộ Công an, Ban Soạn thảo dự án Luật sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến quý báu, tâm huyết tại Hội thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện cho phù hợp trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp sắp tới của Quốc hội khóa XV…

Trong phần thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tập cũng trung luận giải, làm sâu sắc các vấn đề như: phân tích, làm rõ sự cần thiết; xây dựng các luận cứ khoa học, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của hai dự án Luật. Từ thực tiễn công tác, chiến đấu, phân công, phân cấp, quan hệ phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và Công an các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, phân tích, luận giải cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm, những vấn đề trọng tâm cần quan tâm và phương hướng xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật trên trong thời gian tới.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.