Multimedia Đọc Báo in

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy: Siết chặt các biện pháp phòng, chống cháy rừng

09:42, 01/03/2022

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy hiện quản lý hơn 7.927 ha rừng tự nhiên và rừng trồng tại các xã: Cư Mốt, Ea Wy, Ea Ral, Cư A Mung (huyện Ea H’leo); trong đó, có 5.117 ha rừng tự nhiên, 2.809 ha rừng trồng.

Nhận thức được nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng vào mùa khô nên ngay từ đầu năm 2022, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy đã kiện toàn, củng cố ban chỉ huy cũng như tổ, đội, trạm quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) gồm 18 thành viên.

Ngoài ra, công ty còn thuê thêm 4 công nhân ngoài đơn vị túc trực 24/24 giờ tại những lâm phần có nhiều diện tích rừng khộp (cây dầu rụng lá mùa khô) có thảm thực vật dày để canh phòng “giặc lửa”.

Nhân viên quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy phát dọn đường băng và đốt non có kiểm soát để ngăn ngừa cháy rừng.

Song song với đó, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của công ty đã luân phiên cắt cử nhân công thay phiên nhau ngày đêm cắm chốt tại các chòi canh lửa, đi tuần tra tại các tiểu khu rừng tự nhiên, rừng trồng trong lâm phần đơn vị quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý cháy rừng ngay từ đầu, không để lan ra diện rộng.

Công ty cũng đã thuê xe máy ủi và huy động trên 200 ngày công tiến hành phát quang, san gạt nhiều tuyến đường lô, đường băng cản lửa tại các tiểu khu 57, 91, 96, 102 thuộc xã Cư A Mung; tiểu khu 71a, 71b thuộc xã Cư Mốt. Đây là những khu vực rừng tự nhiên có thảm thực bì dày, nhiều cây le, cỏ tranh, dây leo bụi rậm tầm thấp, nguy cơ cháy rừng rất cao cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Đồng thời, huy động toàn bộ nhân viên công ty và người nhận khoán rừng trên địa bàn tham gia phát dọn thực bì, tổ chức khoanh vùng để đốt non (đốt trước có điều khiển) những khu rừng lá rộng rụng lá, rừng hỗn giao, rừng keo lai để giảm thiểu lượng thực bì, vật liệu cháy, hạn chế cháy lan diện rộng.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy cùng hộ nhận khoán rừng đi tuần tra bảo vệ rừng trồng.

Dù kinh phí còn eo hẹp nhưng công ty từng bước khắc phục khó khăn, mua sắm đầy đủ trang thiết bị, đồ bảo hộ, dụng cụ cho phòng cháy, chữa cháy rừng như: bình CO2, xe gắn máy, máy bơm nước, dao rựa phát, cuốc, cào, xô, thùng, ống nhòm… cấp cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Xây dựng hàng trăm biển cảnh báo, bảng cấm lửa đóng tại các cửa rừng, khu vực giáp ranh với đất nương rẫy nơi người dân thường đi lại, những khu vực xung yếu dễ cháy rừng.

Từ đầu mùa khô năm 2022 đến nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy cùng chính quyền, kiểm lâm địa bàn, ban tự quản các buôn, thôn ở các xã Cư A Mung, Cư Mốt, Ea Wy, Ea Ral đã vận động được 75 hộ dân có nương rẫy đang canh tác ven rừng ký cam kết không làm cháy rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp và săn bắt động vật rừng. Gia đình ông Nay Y Rô (ở buôn Tùng Kú, xã Ea Ral) có 5 sào đất trồng màu ở ven rừng Núi đá, gần tiểu khu 71.

Ông Nay Y Rô chia sẻ: “Mỗi khi gia đình đến rẫy đều được cán bộ Lâm trường Ea Wy đến nhắc nhở, yêu cầu không được đốt rẫy khi có gió to, không đốt vào buổi trưa nhằm ngăn ngừa tàn lửa bay sang làm cháy rừng. Bà con đồng bào chúng tôi hiểu lợi ích nhiều mặt của rừng với đời sống con người nên ai cũng nhiệt tình hưởng ứng, thực hiện đúng các hướng dẫn, quy định của công ty trong việc phòng, chống cháy rừng”.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy cho biết: “Bước vào mùa khô, ngoài việc đẩy mạnh công tác vận động truyên truyền cho người dân trên địa bàn hiểu, nâng cao ý thức tham gia bảo vệ rừng, công ty còn tập trung tuần tra rừng; chủ động các phương án chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó khi xảy ra cháy rừng, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Nhờ chú trọng đến các phương án, biện pháp phòng ngừa trong phòng, chống cháy rừng hiệu quả mà nhiều năm qua, các khu vực rừng tự nhiên và rừng trồng của đơn vị chưa xảy ra vụ cháy nào”.

Ngọc Tài


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.