Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn giao thông tăng: Có phải do lỗi khách quan?

17:17, 31/07/2022

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, trong phần tham luận, một số ý kiến của các địa phương cho rằng tai nạn giao thông (TNGT) tăng do mọi hoạt động trở lại bình thường, nhu cầu đi lại tăng cao.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề và đặt ngược lại câu hỏi rằng, có phải 63 tỉnh thành trên phạm vi cả nước khi chuyển sang trạng thái bình thường đều có số người chết do TNGT tăng cao?! Cụ thể, cả nước có 30 tỉnh thành có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 10 địa phương có số người chết do TNGT giảm trên 20%, đáng chú ý, có 4 tỉnh gồm: Thái Nguyên, Quảng Bình, Lai Châu và Sơn La có số người chết do TNGT giảm trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện.

Theo phân tích của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại hội nghị này, thì mọi hoạt động trở lại bình thường trên phạm vi cả nước chứ không phải chỉ tại những địa phương có số người chết do TNGT tăng cao. Ngược lại, ở các tỉnh thành có số người chết do TNGT giảm không có nghĩa là ở đây các hoạt động chưa trở lại bình thường, giao thông đi lại ít. Vấn đề chính đó là sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban ATGT, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng của các tỉnh, thành phố và ý thức tham gia giao thông của người dân. Nếu từ nay đến cuối năm không thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT thì khó đạt mục tiêu kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương trên phạm vi toàn quốc. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt 26 tỉnh có số người chết do TNGT tăng cao cần phải tổ chức đánh giá kỹ, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong 6 tháng cuối năm; yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức và người lao động tuân thủ, thực hiện đúng quy định về an toàn, nhất là đã uống rượu, bia không được lái xe; bảo đảm lái xe, nhất là lái xe đường dài có thời gian nghỉ ngơi phù hợp; xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm quy định về TTATGT.

Có thể khẳng định, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại bình thường sẽ kéo theo nhu cầu đi lại tăng cao, thậm chí tăng đột biến so với thời gian cao điểm dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa tình hình TTATGT sẽ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao. Song nếu vào cuộc quyết liệt thì TNGT sẽ được kéo giảm. Đơn cử, tại tỉnh Đắk Lắk 6 tháng đầu năm nay, 3 tiêu chí về TNGT giảm sâu, cụ thể toàn tỉnh giảm 14 vụ (giảm 11%), giảm 13 người chết (giảm 13%), giảm 40 người bị thương (giảm 43%) so với cùng kỳ năm 2021. Đắk Lắk là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, có các tuyến Quốc lộ 14, 26, 27 đi qua, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông nên tình hình TNGT được kiểm soát tốt.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, việc kéo giảm TNGT còn đòi hỏi mỗi người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT. Từ đó mới hạn chế được những vụ TNGT xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của người cầm lái như uống rượu, bia; đi sai phần đường, làn đường; lạng lách đánh võng… dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.