Trẻ bị bạo hành: Người lớn đã quyết liệt hay chưa?
Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại các tỉnh thành trên cả nước trong thời gian qua đã gây phẫn nộ trong đại bộ phận dân chúng. Mới đây, vụ việc cháu T.N.A. (9 tuổi, trú xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) “tố” bị bố và bà nội đánh đập dã man cũng nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Bên cạnh những chỉ trích người bố, người bà về hành vi tàn bạo với chính con ruột, cháu ruột của mình, không ít người đặt ra câu hỏi liệu người mẹ, người giám hộ (gia đình nhà ngoại), nhà trường đã thực sự quyết liệt trong việc đấu tranh, bảo vệ trẻ khỏi bạo lực, bạo hành hay chưa?
Đứng trên góc độ người làm cha mẹ, ông bà, chỉ cần cơ thể con trẻ xuất hiện thương tích nhỏ như vết cấu, cắn do trêu đùa với bạn bè, hoặc những vết trầy xước, thâm tím vì té ngã lúc chạy nhảy rất dễ để phát hiện bằng mắt thường. Huống hồ là những thương tích lớn, chằng chịt trên cơ thể, thậm chí có những vết thương còn đang rỉ máu của cháu bé nói trên.
Vết thương mới chồng lên vết thương cũ chứng tỏ cháu A. đã bị bạo hành trong thời gian dài (ảnh gia đình nạn nhân cung cấp). |
Điều đáng nói ở đây không chỉ là vụ việc bị phát hiện quá chậm trễ mà thấy rõ thái độ thờ ơ, bàng quan của người lớn, chưa quyết liệt trong việc bảo vệ trẻ em. Dẫn chứng bằng việc chính gia đình bà ngoại cháu A., trước đó dù đã phát hiện những vết bầm tím trên cơ thể cháu nghi do bị đánh nhưng khi được bà nội cháu lý giải là chỉ “răn đe” vì cháu không nghe lời thì cũng chỉ dừng lại ở sự trao đổi, nhắc nhở mà không tìm hiểu ngọn ngành vấn đề để kịp thời bảo vệ cháu. Phải chăng đâu đó trong tâm lý họ vẫn tồn tại suy nghĩ “thương cho roi cho vọt” nên đó là điều hiển nhiên, một đứa trẻ hư đáng bị đánh đòn? Hay khi cháu A. quay trở lại trường học, chính giáo viên chủ nhiệm cũng đã phát hiện thương tích của cháu và chủ động báo cho người mẹ, nhưng bản thân người giáo viên ấy cũng chưa đủ quyết liệt để đi đến tận cùng sự việc dù sau đó vẫn chứng kiến cháu đến trường với thương tích trên thân thể, hay bởi vẫn còn tư duy “chuyện riêng của mỗi nhà, không ai dám xen vào”?
Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án tử hình với cha dượng “hờ” và mức chung thân cho người mẹ trong vụ án mẹ và người tình bạo hành con gái 3 tuổi đến chết. Hay như người mẹ kế trong vụ bạo hành bé gái 8 tuổi đến chết tại TP. Hồ Chí Minh cũng có khả năng đối diện với mức án cao nhất là tử hình. Những tội ác đó rồi sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng rồi sẽ còn biết bao vụ án đau lòng nữa khi ẩn họa bạo hành trẻ em lại đến từ chính người thân hoặc do người thân đồng lõa.
Quay lại câu chuyện của A., năm em chào đời cũng là lúc cha mẹ ly hôn. Đứa trẻ chưa từng một ngày được hưởng trọn vẹn hạnh phúc mái ấm gia đình là đã quá thiệt thòi, nay còn lằn sâu vết thương da thịt cùng những tổn thương tâm lý khó có thể xóa nhòa.
Thẳng thắn mà nói, chính sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, sợ bị trả thù, đã khiến những người xung quanh không can thiệp hoặc tố giác hành vi bạo hành trẻ em, trong khi đó, sự hợp tác giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, mang nặng tính hình thức.
Giá như người lớn quyết liệt hơn, giá như chúng ta đừng thờ ơ với con trẻ thì có lẽ mọi chuyện đã khác!
Minh Minh
Ý kiến bạn đọc