Multimedia Đọc Báo in

Giả làm nhà sư đi bán hương để trốn truy nã

16:57, 06/08/2022

Công an TP. Buôn Ma Thuột vừa di lý đối tượng Trần Văn Biết (SN 1978, trú huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) từ tỉnh Khánh Hòa về trụ sở đơn vị để điều tra, xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu giả của cơ quan; sử dụng tài liệu giả của cơ quan.

Theo kết quả điều tra ban đầu, tháng 2/2020, Biết mua 2 chiếc xe máy bằng hình thức trả góp tại 2 công ty tài chính và bị giữ lại cà-vẹt xe. Ngày 8/3/2020, Biết nói với Nguyễn Thị Lệ Xuân Thảo (SN 1978, trú tại TP. Buôn Ma Thuột) tìm nơi làm cà-vẹt giả để mang đi thế chấp vay tiền, hòng chiếm đoạt. Cùng thời gian này, Thảo đang nợ tiền của nhiều người nên cũng nảy sinh ý định làm giả cà-vẹt chiếc xe máy của mình để mang đi thế chấp, vay tiền trả nợ.

Đối tượng Trần Văn Biết bị bắt giữ.
Đối tượng Trần Văn Biết bị bắt giữ.

Thông qua mạng xã hội, Thảo liên hệ với một người (chưa rõ lai lịch) làm cà-vẹt giả với giá là 2,5 triệu đồng/cái. Sau khi nhận được 3 cà-vẹt giả, Biết và Thảo lần lượt đưa 3 chiếc xe và giấy tờ giả tới một công ty tài chính ở TP. Buôn Ma Thuột làm thủ tục vay tiền trả góp. Tổng cộng, hai đối tượng đã dùng 3 cà-vẹt giả vay của công ty này 92 triệu đồng. Ngoài ra, Thảo cũng làm giả 1 biển số và cà-vẹt xe mang tên Tạ Thị Ngọc Anh (SN 1967, trú tại TP. Buôn Ma Thuột) để đối tượng này mang đến công ty tài chính trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vay 17,5 triệu đồng.

Ngày 25/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Buôn Ma Thuột đề nghị truy tố đối với Nguyễn Thị Lệ Xuân Thảo và Tạ Thị Ngọc Anh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu của cơ quan; sử dụng tài liệu giả của cơ quan. Đồng thời ra quyết định truy nã đối tượng Trần Văn Biết cũng với hành vi trên.

Để che giấu thân phận, những năm qua, Biết đã đóng giả là nhà sư đi bán hương ở nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Phú Yên, Khánh Hoà và Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 4/8, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã bắt giữ Biết khi đang ẩn náu tại xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.