Multimedia Đọc Báo in

Biến tướng lừa đảo từ các ứng dụng vay tiền trực tuyến

08:08, 20/09/2022

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, các tổ chức tín dụng đang áp dụng nhiều các hình thức cho vay đa dạng, tiện lợi trên các nền tảng số. Lợi dụng điều này, các đối tượng “tín dụng đen” đã dùng nhiều thủ thuật để “bẫy” người vay bằng các khoản chi phí không rõ ràng, lãi suất “cắt cổ”, thậm chí còn biến tướng thành một hình thức lừa đảo mới.

Trước tiên, các đối tượng sẽ mời chào khách hàng vay bằng cách gọi điện, nhắn tin hoặc quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo… để dụ dỗ khách hàng tải ứng dụng (app) vay tiền về điện thoại. Có thể liệt kê tên của các app như: “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”... Qua điều tra, xác minh ban đầu của cơ quan công an, các công ty cho vay tiền qua app đa số được điều hành từ người nước ngoài.

Với lời quảng cáo về thủ tục vay đơn giản, lãi suất ưu đãi, nhận tiền nhanh chóng, các app này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn, cần vốn nhanh để kinh doanh hoặc chi tiêu. Các app cho vay thường yêu cầu người vay tiền tạo một tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do app soạn sẵn. Trong đó, đáng chú ý có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động. Nếu người vay thỏa mãn đầy đủ điều kiện vay tiền thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Phần lớn các app đều giữ lại một khoản phí, tiền lãi phải thu, đồng thời sẽ phạt trả tiền chậm rất cao...

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, số tiền thực nhận chỉ có một nửa số tiền vay và thời hạn vay chỉ có 1 tuần, kể từ ngày được “giải ngân”. Khi người vay phát hiện điều bất thường và gọi vào các số điện thoại liên lạc trên app cho vay thì không ai nghe máy. Nhưng khi đến hạn thanh toán thì người vay lại liên tục nhận được điện thoại “nhắc nợ”. Có trường hợp, vì không có khả năng thanh toán khi đến hạn nên người vay bị các đối tượng cho vay bêu xấu bằng cách ghép hình ảnh, thông tin vào lệnh truy nã tung lên các website có nội dung đồi trụy. Quá hoảng sợ, họ đành vay app này để trả nợ app kia theo hướng dẫn từ “nhân viên chăm sóc khách hàng” của app. Nếu khách vay tiền trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2 - 5%. Với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng tính lãi suất 2,5%/ngày, tương đương 17,5%/tuần, 75%/tháng và 912,5%/năm. Cứ như thế, “lãi mẹ đẻ lãi con”, từ số tiền vay vài triệu đồng ban đầu, số nợ phải trả đã tăng lên hàng trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Không dừng ở đó, các đối tượng cho vay còn liên tục “khủng bố” người thân, bạn bè của người vay để đòi nợ khiến cho họ luôn trong trạng thái bất an, khủng hoảng tinh thần. Do lo sợ, cũng như muốn tránh nguy cơ bị quấy rối, bêu rếu trên mạng xã hội nên có người đành cam chịu để giải quyết cho xong chuyện.

Nghiêm trọng hơn, nhiều ứng dụng còn là cái bẫy lừa đảo sẵn sàng “đánh chén” người vay bằng đủ mọi cách. Chẳng hạn, trong quá trình làm thủ tục, người vay sẽ phải cung cấp số tài khoản ngân hàng lên app để nhận tiền vay. Sau đó bên app sẽ thông báo số tài khoản người vay cung cấp bị thiếu hoặc sai số nên app đã chuyển tiền nhưng bị mất. Từ đó, người vay sẽ được yêu cầu phải đóng thêm tiền cho app để chỉnh sửa lại số tài khoản hoặc “phạt” vì đã làm mất tiền của app cho vay. Số tiền phí này có thể đến vài triệu đồng. Bên cạnh đó, chúng còn chiếm đoạt, trục lợi từ những thông tin tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mã OTP... mà người vay cung cấp thông qua các trang web mạo danh kiểm tra thông tin, thanh lý hợp đồng.

Từ sự việc trên, những người đang có nhu cầu vay tiền cần hết sức cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo, cần tỉnh táo lựa chọn tổ chức tín dụng uy tín, cũng như hình thức vay phù hợp để phòng tránh rủi ro.

Nhật Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.