Thực hành giáo dục cảm xúc để giảm thiểu hành xử bạo lực
Thời gian qua, có không ít giáo viên ở các bậc học khác nhau chịu sự lên án mạnh mẽ từ dư luận xã hội vì lối hành xử bạo lực. Ở mỗi sự việc, sự trừng phạt chính thức từ tổ chức xã hội cũng như sự trừng phạt từ dư luận xã hội là rất lớn.
Lẽ đương nhiên, việc giáo viên có lời nói, hành động bạo lực với học sinh luôn được xem là lệch chuẩn, đáng lên án và không có tính giáo dục. Nhưng ở khía cạnh nghề nghiệp, chúng ta thấy, sự đòi hỏi hay kỳ vọng từ phía xã hội đối với người giáo viên trong việc hành xử đúng chuẩn mực cao hơn nhiều so với chuẩn mực thông thường. Điều đó khiến nghề giáo viên thuộc nhóm nghề nghiệp có nguy cơ bị stress cao với những dấu hiệu như: mệt mỏi, lo âu, buồn khổ, mất hứng thú, không muốn nói chuyện. Thậm chí một số giáo viên có thể có những biểu hiện stress nặng như kiệt sức, sang chấn tâm lý vào lúc này hoặc lúc khác trong cuộc sống. Nhất là, sự nỗ lực và “bất lực” trong giáo dục học sinh cá biệt có thể khiến giáo viên bị ảnh hưởng tâm lý, giảm sút năng lực và có nguy cơ mắc lỗi nghề nghiệp.
Cô và trò Trường Tiểu học, THCS&THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh minh họa: Nguyên Hoàn |
Vậy thì, để giảm thiểu sai lầm, người giáo viên luôn cần ý thức về các nguy cơ gây tổn thương như sự quá tải trách nhiệm, sự thiếu hỗ trợ về chuyên môn, sự thiếu chia sẻ từ gia đình học sinh hay ngay cả sự đơn điệu trong các hoạt động dạy học. Những nguy cơ tổn thương trong nghề nghiệp này cần được nhận dạng ngay từ trong quá trình đào tạo nghề giáo viên tại các cơ sở giáo dục. Sự hiểu biết về nguy cơ tổn thương sẽ giúp các cá nhân bình tĩnh xử lý theo cách nhìn nhận đó là những điều bình thường và mang tính phổ biến.
Đồng thời, chúng ta thấy, việc trừng phạt cá nhân khi có lỗi không bao giờ được xem là giải pháp có tính tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Trước hành xử bạo lực của học sinh, thay vì trừng phạt học sinh đó, người giáo viên có thể đặt ra hàng loạt các câu hỏi: Liệu sự phát triển sinh lý lứa tuổi có ảnh hưởng gì tới học sinh không? Học sinh này có bị sang chấn tâm lý không? Điều gì đã xảy ra trước đó? Liệu mình có đang đặt ra một yêu cầu quá cao không? Trong gia đình học sinh, các lối hành xử bạo lực có diễn ra hằng ngày không?... Sau một loạt câu hỏi như vậy, người giáo viên đã có thể bình tĩnh hơn để cân nhắc đưa ra hành vi xử lý phù hợp. Trong nghề, chúng tôi hay nói với nhau rằng, đó là “giải pháp giáo viên tự cứu mình”. Nhưng hơn hết, giáo viên cần được tham gia các khóa đào tạo và thực hành năng lực làm việc với cảm xúc của mình, xây dựng mối quan hệ lành mạnh.
Trương Thị Hiền
(Trường Đại học Tây Nguyên)
Ý kiến bạn đọc