Multimedia Đọc Báo in

Cẩn thận kẻo vi phạm pháp luật về quyền riêng tư

08:17, 09/01/2023

Quyền về đời sống riêng tư là một trong những quyền con người được ghi nhận tại Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 và Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1996.

Ở nước ta, quyền con người được ghi nhận trong nhiều văn bản có giá trị pháp lý cao như: Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Trẻ em… Cụ thể, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Quy định này đã được cụ thể hóa tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018…

 Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì quyền riêng tư là quyền của cá nhân được tự quyết đối với đời sống của mình mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ những người xung quanh khác. Với quyền này, cá nhân được sống như mong muốn của mình, không chịu ảnh hưởng, tác động bất kỳ của chủ thể nào khác. Còn bí mật cá nhân, bí mật gia đình là những thông tin, tư liệu mà cá nhân không muốn công khai, bộc bạch, được giữ kín bằng các biện pháp thông thường hoặc biện pháp kỹ thuật khác nhau. Trường hợp những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bị xâm phạm sẽ được pháp luật bảo vệ.

Theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số văn bản pháp luật có liên quan thì việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được sự cho phép của người đó; đối với trẻ em dưới 7 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, đến thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử của người khác đều bị coi là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ai cũng nhận thức được những hành vi nào là vi phạm quyền riêng tư. Dễ thấy thời gian qua, nhiều hình ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện riêng tư, thậm chí là các clip “nhạy cảm” được tung lên mạng xã hội và được cư dân mạng chia sẻ nhiệt tình. Không ít người cảm thấy hả hê khi bí mật cá nhân của người khác bị tiết lộ và vô tư chia sẻ những thông tin riêng tư đó lên trang cá nhân của mình mà không biết rằng những hành vi này là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo quy định. Hay nhiều bậc cha mẹ tự ý kiểm tra điện thoại và những thông tin riêng tư khác của con mình. Rồi vợ/chồng kiểm soát tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng của nhau… và nghĩ rằng là người thân nên họ có quyền làm những điều đó.

Pháp luật bảo vệ quyền riêng tư, bí mật cá nhân mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi biện pháp. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hai tội danh liên quan đến đến nhóm quyền này, đó là: Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158) và Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159). Bên cạnh đó, Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bưu chính, viễn thông, trong đó có quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin (lưu trữ, thu nhập thông tin của người khác trái mục đích, không được sự cho phép…).

Hiện nay, tuy chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm dân sự đối với các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Tuy nhiên, chúng ta có thể vận dụng các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để buộc người có hành vi vi phạm chịu trách nhiệm dân sự với điều kiện chứng minh được có hành vi vi phạm, có lỗi, có thiệt hại xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Phan Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.