Đưa pháp luật đi vào đời sống ở vùng biên
Đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chính là cách làm mà các cơ quan, đơn vị ở huyện biên giới Buôn Đôn đã và đang thực hiện, góp phần quan trọng trong việc đưa pháp luật đi vào đời sống nhân dân.
Hằng năm, Công an huyện Buôn Đôn đều phối hợp với các xã tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn.
Đơn cử như đợt tuyên truyền tại xã Ea Bar vào cuối tháng 10/2022, đơn vị đã thu hút trên 300 người dân đến tham dự. Không cứng nhắc đọc các văn bản pháp luật, buổi tuyên truyền được bắt đầu bằng các phóng sự ghi nhận thực tế về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Khi phổ biến chi tiết hơn về Luật Giao thông đường bộ, Đại úy Y Nam Niê, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện đã giao lưu, chuyện trò với người dân. Bằng cách hỏi – đáp có quà, anh Y Nam đã dẫn dắt bà con đến với các tình huống giao thông vừa hóm hỉnh, vừa thiết thực với đời sống. Ví như các câu hỏi, có bà con nào sử dụng rượu, bia rồi nhưng vẫn tham gia giao thông, có gia đình nào cho con em chưa đủ độ tuổi điều khiển phương tiện xe máy, hay có bao giờ đi xe máy nhưng quên đội mũ bảo hiểm…
Anh đã động viên bà con thật lòng chia sẻ thói quen, lối sinh hoạt hằng ngày của mình trong tham gia giao thông. Hỏi ngắn gọn, giải đáp đúng trọng tâm vấn đề, anh nhắc nhở thêm mọi người: “Bà con mình còn nghèo, dãi nắng dầm sương để kiếm được đồng tiền rất vất vả. Vì vậy, đừng để xảy ra những vi phạm giao thông, để rồi phải nộp phạt số tiền lớn”.
Đại úy Y Nam Niê tuyên truyền pháp luật về giao thông cho người dân xã Ea Bar qua hình thức hỏi - đáp. |
Với cách tuyên truyền dễ hiểu, gần gũi, Đại úy Y Nam Niê còn giải đáp các tâm tư, khúc mắc bằng cả tiếng phổ thông và Êđê cho bà con thêm rõ. Cả hội trường chăm chú hướng về người cảnh sát giao thông và dành cho anh tràng pháo tay dài khi nội dung tuyên truyền kết thúc. Anh Y Sôn Kbuar (buôn Knia 4, xã Ea Bar) bộc bạch: “Cán bộ nói đến đâu, tôi thấy thấm đến đó. Bản thân đã từng, nhưng sẽ khắc phục tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông để bảo đảm an toàn cho mình, cho mọi người xung quanh và cho gia đình”…
Góp phần đưa pháp luật đi vào đời sống, các đồn biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh) cũng thường xuyên phối hợp triển khai các hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động đến bà con khu vực biên giới. Các văn bản luật như Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam… được bộ đội cụ thể hóa bằng những câu chuyện sát thực, giúp bà con dễ nhớ.
Điển hình như Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, khi tuyên truyền cho nhân dân xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn), đơn vị đã khéo léo lồng ghép qua các buổi giao ban, họp thôn, buôn; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, tuyên truyền cá biệt từng hộ dân, qua các đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới, đảng viên đồn biên phòng sinh hoạt Đảng tạm thời tại các chi bộ thôn, buôn.
Cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk phát tờ rơi, tuyên truyền pháp luật cho người dân. |
Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk chia sẻ, đơn vị vận động các già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia, đến từng gia đình để tuyên truyền. Nhờ đó, những năm gần đây, trên địa bàn không có trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, không có hành vi tiếp tay, bao che, tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép.
Không chỉ tuyên truyền trong nhân dân, huyện Buôn Đôn còn đặc biệt quan tâm đến học sinh bậc THCS, THPT trên địa bàn. Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện cho biết, thứ hai đầu tháng, đơn vị thường phối hợp với Phòng Tư Pháp, Công an huyện và các trường học tổ chức tuyên truyền pháp luật cho hàng nghìn học sinh. Cùng với đó, vào dịp tháng 3, Huyện Đoàn thường tổ chức cho tuổi trẻ, học sinh hướng về biên cương, lồng ghép tuyên truyền bằng nhiều hoạt động: giao lưu với cán bộ, chiến sĩ biên phòng; viếng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; thăm cột mốc, kết nạp Đoàn tại cột mốc biên giới… góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm tuổi trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Từ năm 2012 đến nay, tại khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh đến từng hộ để tuyên truyền được 5.109 hộ với 18.014 người dân tham gia, phối hợp tổ chức tuyên truyền tập trung được 62 buổi với 1.322 lượt người; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh 670 giờ, bằng loa chuyên dụng và loa di động được 1.058 giờ; phát 5.450 tờ rơi; triển khai 51 hòm thư tố giác xuất, nhập cảnh trái phép. |
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc