Multimedia Đọc Báo in

Tập trung thanh tra các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực

16:45, 06/01/2023

Sáng 6/1, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thanh tra năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; các đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; lãnh đạo Thanh tra các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Sáu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh cùng đại diện Thanh tra một số sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái  phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh chụp màn hình ti vi.

Theo đánh giá tại hội nghị, năm 2022, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã bám sát định hướng chương trình thanh tra, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) và Thủ tướng Chính phủ, tổ chức các đoàn thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm.

Trong năm, toàn ngành đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính, 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 86 nghìn tỷ đồng, 8.777 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi trên 26,6 nghìn tỷ đồng và 574 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý gần 60 nghìn tỷ đồng, 8.203 ha đất; ban hành 145.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền trên 5,6 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra, xử lý 451 vụ, 295 đối tượng.

các đại tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh chụp màn hình ti vi.
Các đại biểu điều hành hội nghị tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh chụp màn hình ti vi.

Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra cũng được chú trọng. Ngành Thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.371 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 6.084 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Qua đôn đốc, đã thu hồi 3.440 tỷ đồng, 32 ha đất; xử lý hành chính 4.052 tổ chức, 9.297 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 132 vụ, 181 đối tượng; kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 583 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật.

Năm 2022, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 382.491 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 284.897 vụ việc, có 3.031 đoàn đông người. Đồng thời tiếp nhận 385.768 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua phân loại có 316.747 đơn đủ điều kiện xử lý; đã giải quyết 22.600 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 88,8%). Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 8,5 tỷ đồng, 8,3 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 42,7 tỷ đồng, 17 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 22 tổ chức, 559 cá nhân; kiến nghị xử lý hành chính 516 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 32 vụ, 31 đối tượng.

c
Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Huấn (bên trái) nhận Cờ thi đua của Thanh tra chính phủ trao tặng. Ảnh: Thanh tra tỉnh cung cấp.

Công tác thanh tra, kiểm tra những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực cũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Qua thanh tra, kiểm tra, ngành Thanh tra đã phát hiện 116 vụ việc tham nhũng, liên quan đến 153 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 41 vụ, 22 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 50 vụ, 86 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 25 vụ, 45 người liên quan đến tham nhũng.

Tại hội nghị, đại biểu tại điểm cầu Thanh tra Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã thảo luận, đánh giá nõ nét hơn những ưu điểm, kết quả nổi bật của công tác thanh tra năm 2022; mặt khác, cũng chỉ ra các bài học kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Tập trung bám sát định hướng chương trình công tác thanh tra năm 2023, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác thanh tra tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTNTC. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về PCTNTC, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng...

Nhân dịp này, Thanh tra Chính phủ đã trao Cờ thi đua tặng 17 tập thể hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước ngành Thanh tra năm 2022, trong đó có Thanh tra tỉnh Đắk Lắk.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.