“Thức” cùng cáo trạng
Khi đứng trước việc quyết định phải làm sao đánh thức lương tri của bị can, mỗi bản cáo trạng viết ra luôn có sự trăn trở của người kiểm sát viên. Sau mỗi phiên tòa, khi bản án được tuyên, cánh cửa vẫn luôn rộng mở cho những ai biết ăn năn, hối cải trước lỗi lầm…
Với kiểm sát viên Lê Viết Hùng (kiểm sát viên trung cấp, Viện trưởng Viện KSND huyện Ea Kar), một trong những vụ án khiến anh phải “quên ăn, quên ngủ” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đó là vụ án xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Krông Bông. Khi đó anh đang là Phó Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự các tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng (Phòng 3, Viện KSND tỉnh).
Kiểm sát viên Lê Viết Hùng nghiên cứu hồ sơ vụ án. |
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2015 đến 2017, bị cáo Chu Ngọc Hải (SN 1984, nguyên cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh huyện Krông Bông) đã lập khống 562 bộ hồ sơ của khách hàng vay vốn để lừa đảo chiếm đoạt hơn 32,4 tỷ đồng và tham ô hơn 81,6 tỷ đồng. Từ số tiền chiếm đoạt này, Hải đã dùng hơn 110 tỷ đồng vào việc cá độ bóng đá và mua vật dụng chơi game, khoảng 4 tỷ đồng phục vụ tiêu xài cá nhân. Vào tháng 5/2019, TAND tỉnh đã tổ chức phiên tòa sơ thẩm hình sự và có những hình phạt thích đáng đối với bị cáo Chu Ngọc Hải và 19 đồng phạm khác.
Kiểm sát viên Lê Viết Hùng nhớ lại: Dù đã từng tham gia giải quyết nhiều vụ án phức tạp nhưng quá trình thực hiện kiểm sát và giải quyết vụ án này bản thân anh gặp không ít khó khăn. Bởi đây là vụ án có tính chất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần phải tìm hiểu rõ phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt cũng như cần nắm vững các quy trình, quy định của ngân hàng khi giải quyết cho vay thì mới hiểu rõ bản chất của sự việc để có định hướng đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, do lượng hồ sơ lập khống rất lớn, hồ sơ vụ án lên đến hơn 10.000 bút lục nên ảnh hưởng tới thời gian, tiến độ điều tra, khi phải nghiên cứu, đi thực tế kiểm tra từng hồ sơ. Sau khi có kết quả điều tra, vụ án được truy tố, đưa ra xét xử, trong quá trình thực hành quyền công tố, anh đã chuẩn bị chu đáo các tài liệu và dự liệu trước nhiều tình huống có thể xảy ra. Bởi bản luận tội không những là căn cứ để bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác đưa ra ý kiến, quan điểm của mình về toàn bộ vụ án mà viện kiểm sát đã truy tố trước tòa án, mà còn là cơ sở để tòa án xem xét, quyết định việc đưa ra phán quyết của mình đối với người phạm tội và toàn bộ vụ án theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Kiểm sát viên Trần Quyết Chiến. |
Còn theo chia sẻ của kiểm sát viên Trần Quyết Chiến (kiểm sát viên trung cấp, Phó Trưởng Phòng 3, Viện KSND tỉnh), khi dấn thân vào nghề kiểm sát là phải luôn trăn trở, thao thức với từng trang cáo trạng. Làm việc trong cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, để có thể hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ, người kiểm sát phải có bản lĩnh vững vàng. Đó là cả một quá trình lao động, đấu tranh không mệt mỏi, từ việc lập hồ sơ kiểm sát đúng quy trình, rồi nghiên cứu để ban hành yêu cầu điều tra đến tham gia đấu tranh trực diện với tội phạm tại các biên bản ghi lời khai, hỏi cung hay tranh tụng tại tòa... Có muôn vàn con đường dẫn tới phạm tội, và không phải tất cả bị can, bị cáo đều là người xấu, khó cải tạo, giáo dục. Có người vì nhiều toan tính, tham lam vô độ mà bất chấp luật pháp, nhưng cũng có những người là lao động nghèo chỉ vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật mà trở thành tội phạm.
Đơn cử như vụ án xảy ra tại Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vào năm 2021. Ngoài 4 bị cáo đều nguyên là cán bộ, công chức của xã Cư Elang, thì còn có 3 hộ gia đình người dân tộc thiểu số vì thiếu hiểu biết mà đứng tên trên các hồ sơ nhận bồi thường, hỗ trợ, dẫn đến bồi thường sai. Vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước gần 4,7 tỷ đồng. Để bản án khi Tòa tuyên phạt được bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đúng người, đúng tội, sự tham gia của phía ngành kiểm sát trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ đến tranh tụng, luận tội trước tòa đóng vai trò quan trọng. “Trong suốt quá trình điều tra, chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu động cơ, nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội của các bị can, trong đó đặc biệt chú ý tới lý do mà 3 gia đình người dân tộc thiểu số, hộ nghèo này vi phạm để có hướng giải quyết bảo đảm tính răn đe của pháp luật nhưng cũng mở rộng lối cho người phạm tội sau thụ án”, kiểm sát viên Trần Quyết Chiến bày tỏ.
Người phạm tội bị trừng trị là đích đáng nhưng đằng sau họ còn gia đình, người thân - những người vô can nhưng lại chịu sự tổn thất to lớn về tinh thần. Vì lẽ đó mà trăn trở lớn nhất của người làm trong ngành kiểm sát chính là làm sao sau mỗi bản án, nhận thức về pháp luật thực sự được nâng cao, là sự hối cải, sự hoàn lương thật sự, để sau khi thụ án trở về, họ sống có ích hơn, biết trân quý cuộc sống của mình và những người xung quanh.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc