Multimedia Đọc Báo in

Sai phạm trong hoạt động đăng kiểm: Lỗi hệ thống hay căn bệnh trầm kha?!

08:45, 26/02/2023

Thời gian qua, hàng loạt cán bộ, nhân viên ở các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới đường bộ bị khởi tố do vi phạm trong hoạt động kiểm định xe.

Đó không còn là hiện tượng “Con sâu làm rầu nồi canh” nữa mà được ví như “tế bào ung thư đã di căn” khắp mọi ngóc ngách, không chỉ ở các TTĐK mà còn cả đơn vị quản lý cao nhất là Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đọc lệnh bắt đối với cán bộ, lãnh đạo trung tâm đăng kiểm
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đọc lệnh bắt cán bộ, lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 47-06D. Ảnh: CTV

Các vi phạm trong hoạt động đăng kiểm được phát hiện từ cuối tháng 10/2022, khi lực lượng Cảnh sát giao thông TP. Hồ Chí Minh trong quá trình tuần tra kiểm soát ghi nhận một xe tải có thông số kỹ thuật ghi trên giấy kiểm định do TTĐK 62-03D (tỉnh Long An) cấp có dấu hiệu bất thường. Qua rà soát lại dữ liệu đăng kiểm gốc của Cục Đăng kiểm Việt Nam, phát hiện có sự sai số. Cụ thể, kết quả đo thùng xe theo Chứng nhận đăng kiểm mới là 6.300 x 2.300 x 1.600, trong khi dữ liệu Cục Đăng kiểm lưu trữ là 6.000 x 2.300 x 920. Như vậy, thùng xe trên đã được hợp pháp hóa cơi nới 71 cm. Việc cơi nới này nhằm mục đích chở thêm hàng hóa.

Theo thống kê sơ bộ bước đầu của cơ quan chức năng, tính đến cuối tháng 12/2022, ước tính có 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định sai quy định. Các TTĐK đã cấp trên 52.000 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Thực tế, con số này “phình” ra nhiều hơn, khi trong những ngày qua trên phạm vi cả nước tiếp tục có hàng loạt cán bộ, nhân viên ở các TTĐK bị tạm giữ, khởi tố.

Đơn cử như tại Đắk Lắk, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can 8 đối tượng là lãnh đạo, nhân viên TTĐK xe cơ giới 47-06D (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) để điều tra hành vi nhận hối lộ. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, các đối tượng ở trung tâm này đã nhận tiền của chủ xe để thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật đăng kiểm phương tiện xe cơ giới, bỏ qua lỗi kỹ thuật và tiến hành cấp Chứng nhận đăng kiểm cho xe không đủ điều kiện.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm trong hoạt động đăng kiểm đó là một số địa phương cho thành lập các TTĐK vô tội vạ dẫn đến việc các trung tâm thu không đủ để bù đắp chi phí. Từ đó, dẫn đến tình trạng lôi kéo các phương tiện vận tải đến thực hiện đăng kiểm và gây ra những sự việc tiêu cực như du di, bỏ qua lỗi. Thậm chí còn dung túng, thông đồng với chủ phương tiện để cơi nới và kiểm định cho các phương tiện cơi nới. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Sở GTVT các địa phương quản lý TTĐK nhưng không đi cùng với kiểm tra, giám sát cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Có thể khẳng định, hành vi sai phạm trong hoạt động đăng kiểm thời gian qua là một "đường dây” chứ không phải là vài ba trường hợp đơn lẻ. Bởi ngoài các bị can là cán bộ, nhân viên các TTĐK và người môi giới, còn có lãnh đạo, cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đáng chú ý và gây bức xúc trong dư luận đó là cán bộ của Cục Đăng kiểm nhận tiền hối lộ đều đặn theo định kỳ từng tháng, từng quý và đã xảy ra từ nhiều năm qua.

Việc bỏ qua lỗi đã là vi phạm, gian dối trong kiểm định và thực hiện cấp tem chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện không đủ điều kiện là hành vi tiếp tay, thậm chí “vẽ đường” cho các vi phạm. Bởi bất cứ lỗi nào của phương tiện cũng có nguy cơ mất an toàn, nguy cơ gây tai nạn mà hậu quả nhiều người, nhiều gia đình và toàn xã hội phải gánh chịu. Các sai phạm trong hoạt động đăng kiểm thời gian qua còn dẫn tới hệ lụy các TTĐK mất hàng loạt cán bộ, nhân viên chuyên môn. Và cái giá phải trả đắt hơn nữa đó là làm mất niềm tin với xã hội!

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.