Multimedia Đọc Báo in

Nhát dao oan nghiệt

08:49, 16/04/2023

Vượt hơn 50 km từ xã Đắk Liêng (huyện Lắk) lên TP. Buôn Ma Thuột, hành trang mà vợ chồng ông N.V.T. (SN 1965) và bà T.T.Y. (SN 1973) đến dự phiên tòa với tư cách người bị hại là chiếc túi vải nhàu nhĩ cùng vài ba bộ quần áo gấp vội.

Tâm trạng nặng trĩu, ánh mắt mệt mỏi, hai vợ chồng lặng lẽ bước vào phiên tòa, nhìn bị cáo trước tòa lại chính là con trai ruột của mình, bà Y. đau đớn bật khóc.

1
Bị cáo Nông Văn Bằng trước vành móng ngựa. Ảnh: Lê Thành.

Năm 2001, vợ chồng bà Y. (người dân tộc Tày) khăn gói từ tỉnh Cao Bằng vào buôn Yu Kla 3, xã Đắk Liêng lập nghiệp rồi lần lượt có hai người con là Nông Văn Bằng (SN 2002) và N.T.D. (SN 2015). Kinh tế gia đình bao năm chỉ trông chờ vào mấy sào sắn, lại không có công việc làm thêm nên đến nay vẫn thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống khó khăn, ông T. lại hay mượn rượu giải sầu nên tính khí cũng trở nên cộc cằn, hay chửi mắng, đánh đập vợ con. Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến bi kịch gia đình...

Khoảng 17 giờ ngày 12/1/2021, khi ông T. đang nằm trong phòng ngủ thì nghe tiếng N.T.D. khóc ở ngoài phòng khách. Cho rằng Bằng trêu chọc làm em khóc nên ông cầm dao ra dọa chém. Bằng không kiềm chế được cơn bực bội bị dồn nén đã lâu, liền lấy một dao nhọn cột vào đầu cây le, đi vào phòng ngủ đâm một nhát vào ngực và chém một nhát trúng đỉnh đầu bên trái của ông T. gây thương tích tỷ lệ 42%. Nông Văn Bằng sau đó đã đến Công an xã Đắk Liêng đầu thú, giao nộp hung khí và khai báo toàn bộ hành vi vi phạm.

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nông Văn Bằng lĩnh án 15 năm tù về tội giết người. Ngồi ở hàng ghế cuối phòng xử án, bà Y. bần thần, rồi òa khóc... Nhìn hình ảnh con mình bị dẫn giải lên xe để đến trại giam, lòng bà Y. như thắt lại. Nhát dao oan nghiệt của Bằng không chỉ để lại vết thương trên thân thể của người cha mà còn để lại nỗi đau đớn tột cùng về mặt tinh thần cho chính đấng sinh thành của mình. Cái giá 15 năm tù mà Bằng phải trả ở phía sau song sắt trại giam chẳng thể nào rửa hết tội bất hiếu. Và sự ăn năn, hối hận của Bằng cũng đã quá muộn màng.

Có thể thấy, hành vi bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình hay mâu thuẫn tình cảm đã không còn là chuyện hiếm gặp. Theo các chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm, một số kiểu tội phạm giết người thân thường gặp là: Bị bạo hành nghiêm trọng, có vấn đề tâm thần nặng và có tính cách chống đối xã hội. Nguyên nhân có thể xuất phát từ hạn chế về mặt nhận thức, tâm lý coi thường pháp luật; từ những mâu thuẫn nhỏ, bị dồn nén, tích tụ lâu ngày, bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu từ mạng Internet, mạng xã hội, sẵn máu bạo lực lại được dung dưỡng, tiếp tay bởi những hành vi bạo lực ngoài cộng đồng…

Mặc dù kẻ phạm tội bị pháp luật trừng trị nghiêm minh, chịu mức tăng nặng trách nhiệm hình sự với vụ án liên quan tới sát hại người thân, nhất là cha mẹ, người có công nuôi dưỡng, bởi người phạm tội trong trường hợp này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo lý. Tuy nhiên, các sự việc đau lòng thế này vẫn tiếp tục xảy ra trong xã hội đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Và làm thế nào để ngăn chặn là câu chuyện không chỉ của riêng ai.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.