Multimedia Đọc Báo in

Mở rộng vòng tay đón người lầm lỗi trở về

08:17, 25/05/2023

Xã Cư Né (huyện Krông Búk) có 3.399 hộ, 14.134 nhân khẩu sinh sống tại 21 thôn, buôn, trong đó có 7 buôn thuộc diện khó khăn. Địa phương này từng là xã trọng điểm về an ninh trật tự (ANTT) của huyện, nhất là tình trạng vượt biên trái phép....

Theo Công an xã, trên địa bàn xã có khoảng 48 trường hợp bị lôi kéo vượt biên trái phép sang các nước lân cận (gần nhất là năm 2019 có 4 trường hợp).

Qua công tác tuyên truyền, vận động, tích cực giúp đỡ của lực lượng chức năng, từ năm 2015 đến nay có 17 trường hợp trở về địa phương.

Thiếu tá Tạ Quang Vĩnh Duy, Trưởng Công an xã nhận định: “Trên địa bàn hiện nay còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bởi các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách lôi kéo một số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhẹ dạ, cả tin vượt biên do trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế; đời sống khó khăn…”.

Công an huyện Krông Búk thăm, động viên gia đình chị H’Pruch Mlô ở buôn Đrao (xã Cư Né).

Để ngăn chặn tình trạng người dân bị lừa vượt biên trái phép, các cấp, ngành cùng chính quyền xã Cư Né đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Theo đó, UBND xã Cư Né đã đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phối với công an cùng cấp, ban tự quản thôn, buôn và người uy tín trên địa bàn tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu, không nghe, không tin theo lời xúi giục của kẻ xấu. Đặc biệt là vận động những trường hợp vượt biên trở về địa phương cùng tham gia công tác tuyên truyền nhằm vạch trần âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo, phá hoại cuộc sống bình yên của dân làng, gây mất ANTT tại địa phương.

Trở về buôn Đrao đã 5 năm nhưng chị H’Pruch vẫn chưa thể nào quên nỗi đau mất mát người thân trong thời gian sinh sống trên đất Campuchia. Ôm di ảnh của chồng quá cố, chị H’Pruch kể: Năm 2016, tin vào lời hứa của những đối tượng lưu vong khi qua Campuchia sẽ được đưa sang nước thứ ba để có cuộc sống giàu sang, sung sướng hơn, vợ chồng chị liền bán nhà, vườn rẫy được gần 100 triệu đồng, rồi đưa hai con nhỏ cùng vượt biên. Nhưng khi vừa đến nơi, vợ chồng chị đã bị lừa lấy hết tiền, cả gia đình phải sống chui nhủi, khổ cực trên đất khách quê người.

Công an xã Cư Né phối hợp Ban tự quản buôn Đrao trao đổi với già làng Y Ruăn Niê.

Loay hoay mãi, chị H’Pruch Mlô cũng xin được vào việc làm ở một cơ sở sửa chữa máy móc, nhưng do không có giấy tờ tùy thân nên chủ lao động không cho ra ngoài. Công việc nặng nhọc, điều kiện sinh hoạt kém, nước sạch cũng chỉ được phát 2 bình/tuần…, không bao lâu chồng chị bệnh nặng rồi mất. Còn lại một mình, chị H’Pruch cố gắng bám trụ làm việc để nuôi hai con đủ ăn. Nhưng cũng chỉ được hơn một năm, nhìn các con xanh xao, gầy guộc, chị tìm cách liên hệ, cầu cứu người thân ở quê nhà. Được lực lượng công an giúp đỡ, đầu năm 2019, ba mẹ con chị về tới buôn Đrao. Bản thân từng trở thành nạn nhân, không muốn những người khác "dính bẫy" của kẻ xấu, chị đã tham gia các buổi phát động quần chúng do Công an huyện phối hợp với UBND xã Cư Né tổ chức để tuyên truyền phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, gây chia rẽ cộng đồng.

Hay như câu chuyện của anh Y Uông Niê (cũng ở buôn Drao), năm 2016, nghe theo lời bố vợ, vợ chồng anh bán hết tài sản vượt biên sang Campuchia. Vì nhập cư trái phép, cuộc sống đầy bất trắc với những cuộc trốn chạy cảnh sát, nhiều ngày đói khát…, hoàn toàn không như lời bố vợ đã nói là sang đây sẽ được nuôi ăn uống, không phải làm gì, sau đó họ bảo lãnh qua Mỹ. Vỡ mộng, cả nhà tằn tiện, tiết kiệm mới có tiền quay về Việt Nam.

Chủ tịch UBND xã Cư Né Bùi Đình Hiếu cho biết, để những trường hợp lầm lỡ vượt biên trái phép yên tâm gắn bó với buôn làng, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện giúp họ làm lại giấy tờ tùy thân; ưu tiên được nhận sự quan tâm, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm; gặp gỡ, trao đổi với người thân, dòng họ để hỗ trợ đất sản xuất… Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Công an xã, già làng, trưởng buôn, người uy tín thường xuyên gặp gỡ để nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư để kịp thời giáo dục, giúp họ xóa đi mặc cảm; đồng thời có những phương án tạo sinh kế giúp các gia đình có thu nhập ổn định.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.