Multimedia Đọc Báo in

Xét xử sơ thẩm công khai vụ tấn công, khủng bố tại Cư Kuin: Các bị cáo đều ăn năn, hối hận, thừa nhận hành vi vi phạm

18:29, 18/01/2024

Từ ngày 16/1, tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, TAND tỉnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; khủng bố; tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; che giấu tội phạm” xảy ra tại huyện Cư Kuin vào ngày 11/6/2023.

Hội đồng xét xử (HĐXX) có 5 người, gồm 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh làm Chủ tọa phiên tòa. Bốn kiểm sát viên của Viện KSND tỉnh được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Phiên tòa sơ thẩm có 19 Luật sư và Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho các bị cáo theo quy định của pháp luật. HĐXX còn triệu tập nhiều tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới phiên tòa.

Phiên tòa xét xử lưu động tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột,
Phiên tòa  được xét xử lưu động tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: TTXVN

Trong ngày xét xử đầu tiên (16/1), HĐXX đã tiến hành kiểm tra căn cước của các bị cáo (có mặt 94 bị cáo; vắng mặt 6 bị cáo) và những người tham gia tố tụng, giải thích quyền và nghĩa vụ của các bị cáo và những người tham gia tố tụng. Sau khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, đại diện Viện KSND tỉnh đã công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo trong đó nêu rõ hành vi phạm tội của các bị cáo cũng như tội danh, điều, khoản của Bộ luật Hình sự áp dụng đối với các bị cáo.

Theo đó, có 53 bị cáo bị truy tố về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, theo khoản 1, Điều 113, Bộ luật Hình sự; 45 bị cáo bị truy tố về tội “Khủng bố” theo khoản 2, Điều 299, Bộ luật Hình sự; 1 bị cáo bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép” theo khoản 1, Điều 348, Bộ luật Hình sự; 1 bị cáo bị truy tố về tội “Che giấu tội phạm” theo khoản 1, Điều 389, Bộ luật Hình sự.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN.

Ngày 17/1, HĐXX tiếp tục tiến hành xét hỏi đối với các bị cáo. Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình và thừa nhận cáo trạng mà Viện KSND tỉnh truy tố đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; lời khai của các bị cáo phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án. Đồng thời, các bị cáo trình bày do nhận thức pháp luật còn hạn chế, bị lợi dụng, rủ rê, lôi kéo, đe dọa, dụ dỗ, kích động nên đã tham gia thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ngày 18/1, các Kiểm sát viên cùng các luật sư bào chữa tham gia thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo tại phiên tòa. Đại diện Viện KSND tỉnh đã công bố bản luận tội của từng bị cáo trong vụ án. Theo đó, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các chứng cứ, tài liệu thu thập được cũng như khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra… Nói lời sau cùng tại phiên tòa, các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi vi phạm pháp luật của mình; xin lỗi gia đình người bị hại về hành vi phạm tội của mình và mong nhận được khoan hồng của pháp luật.

Bên cạnh đó, một số bị cáo cũng kêu gọi 6 bị cáo bị xét xử vắng mặt hãy về đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Trong 3 ngày xét xử, phiên tòa đã diễn ra đúng theo quy định của pháp luật; an ninh trật tự tại phiên tòa được bảo đảm.

Theo kế hoạch, ngày 19/1, HĐXX sẽ nghị án; chiều ngày 20/1, HĐXX sẽ tuyên án.

 

Hà Duy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.