Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết tình hình thực hiện Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ, hay còn gọi là Đề án 250).
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp (Ảnh chụp qua màn hình). |
Trải qua 12 năm thi hành Luật Giám định tư pháp, hệ thống các quy định về giám định tư pháp tiếp tục được hoàn thiện; hệ thống tổ chức giám định tư pháp, đội ngũ người làm giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển; hoạt động và quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả.
Công tác giám định tư pháp có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nền nếp, hiệu quả, nhất là trong những lĩnh vực có tổ chức giám định và giám định viên chuyên trách như: pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự... Về cơ bản, hoạt động giám định tư pháp đã phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
Đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Qua 5 năm thực hiện Đề án 250, công tác giám định tư pháp cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra, như: có 12/15 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quy trình và thời hạn giám định; hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập được củng cố, kiện toàn; chế độ kéo dài thời gian làm việc cho giám định viên pháp y, pháp y tâm thần đã được Chính phủ ban hành; có 1.039.615 vụ việc giám định được thực hiện cơ bản đáp ứng kịp thời yêu cầu của hoạt động tố tụng; các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp được nhiều bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250 để làm cơ sở kiến nghị, đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Giám định tư pháp và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chưa đạt được của Đề án 250, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ nói riêng cũng như yêu cầu về cải cách hành chính, cải cách tư pháp…
Cùng với đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người làm giám định; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ người giám định tư pháp ở các lĩnh vực…
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc