Multimedia Đọc Báo in

“Mắt thần” bảo vệ an ninh, trật tự

08:37, 10/07/2024

Thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huyện Ea Kar đã huy động nguồn lực trong dân đóng góp kinh phí xây dựng mô hình camera giám sát an ninh, trật tự (ANTT). Đây được ví như những “mắt thần”, góp phần bảo vệ, giữ gìn ANTT tại từng địa phương.

Từ năm 2022 đến nay, từ phòng làm việc của Công an xã Cư Ni, bật ti vi lên có thể dễ dàng quan sát hoạt động tại các khu vực trung tâm xã, các thôn, buôn trên địa bàn thông qua mô hình camera giám sát ANTT. Sau khi có chỉ đạo của Công an huyện Ea Kar, Công an xã Cư Ni đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã khảo sát các vị trí trọng yếu trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân theo từng cụm dân cư về lợi ích thiết thực cũng như đóng góp kinh phí lắp đặt camera an ninh.

Lãnh đạo UBND xã Cư Ni (huyện Ea Kar) và Công an xã kiểm tra tình hình an ninh, trật tự địa bàn thông qua mô hình camera giám sát an ninh, trật tự.
 

“Cùng với mô hình camera giám sát ANTT, huyện Ea Kar đã thành lập 220 tổ bảo vệ ANTT ở 220 thôn, buôn, tổ dân phố theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Lực lượng này tăng cường tuần tra, kiểm soát từng địa bàn, cùng với các camera giám sát an ninh sẽ là những “mắt thần” giữ vững ANTT tại địa phương”  - Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Trưởng Công an huyện Ea Kar.

Được người dân đồng thuận, chỉ sau một thời gian ngắn, xã Cư Ni đã vận động người dân đóng góp trung bình 80.000 đồng/hộ để lắp đặt 29 mắt camera. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà hảo tâm cũng tích cực đóng góp thực hiện mô hình. Đến nay, xã Cư Ni đã nhân rộng lên 42 mắt camera, giám sát toàn diện các vị trí xung yếu, quan trọng, bao quát các hướng vào, ra địa bàn. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã không chỉ đóng góp tiền mà còn sẵn lòng sử dụng mạng wifi, điện của gia đình để các camera hoạt động và truyền dữ liệu về trung tâm xã, đồng thời quán xuyến, bảo vệ an toàn cho các camera.

Qua trích xuất hình ảnh từ camera giám sát ANTT đã giúp lực lượng công an xã xác minh, đấu tranh làm rõ 3 vụ với 3 đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản trên địa bàn xã, xác định được nguyên nhân của 4 vụ va chạm giao thông và 1 vụ sử dụng súng tự chế. Cũng nhờ có mô hình này, lực lượng công an kịp thời giải tán các đám đông có biểu hiện gây mất ANTT sau 22 giờ; nhận diện, rà soát các đối tượng tụ tập để gọi hỏi, răn đe; chia sẻ hình ảnh giúp cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện củng cố tài liệu đấu tranh, làm rõ các vụ phạm pháp hình sự, tin báo về vụ việc...

Lãnh đạo UBND xã Cư Ni (huyện Ea Kar) và Công an xã kiểm tra hoạt động của mô hình camera giám sát an ninh, trật tự.

Không chỉ tại địa bàn xã Cư Ni, mô hình camera giám sát ANTT đã được lực lượng công an và chính quyền địa phương xây dựng, nhân rộng tại các xã: Cư Huê, Ea Sar, Xuân Phú, Cư Prông, Ea Ô với tổng số 158 mắt camera, tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Kinh phí xây dựng mô hình này phần lớn đều từ nguồn xã hội hóa, do người dân, các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn đóng góp, hỗ trợ. Từ năm 2021 đến nay, thông qua mô hình camera giám sát ANTT, lực lượng điều tra công an huyện đã phát hiện 10 vụ trộm cắp tài sản; xác định nguyên nhân của 8 vụ tai nạn, va chạm giao thông trên địa bàn huyện.

Theo đánh giá của Công an huyện Ea Kar, mô hình camera giám sát ANTT là minh chứng hiệu quả của việc sử dụng khoa học công nghệ hỗ trợ lực lượng công an trong quản lý địa bàn. Trước đây, khi chưa có mô hình này trong khi lực lượng công an còn mỏng về số lượng, lại phải phụ trách địa bàn rộng, dân số đông nên công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các vụ trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông… Từ khi camera giám sát ANTT đưa vào hoạt động, từ trụ sở làm việc, công an các xã có thể quản lý, theo dõi được địa bàn trên diện rộng, kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các vụ việc phức tạp về ANTT, từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng được nâng cao.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.