Multimedia Đọc Báo in

Xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn: Nghiêm cấm bao che, dấu giếm

05:56, 22/09/2024

Thời gian qua, lực lượng chức năng thực hiện nghiêm việc gửi thông báo về cơ quan đối với cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận, qua đó thể hiện tính nghiêm minh, nêu cao tinh thần nêu gương của người tham gia giao thông và góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).

Hơn 7.600 cán bộ, đảng viên vi phạm

Mới đây, tại cuộc họp sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 10 (tháng 4/2023 đến tháng 4/2024) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong thực hiện mục tiêu kiềm giảm TNGT của các cấp, ngành và lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận tham gia giao thông chưa tự giác, chưa chú trọng đến việc chấp hành quy tắc giao thông.

Đáng chú ý, trong đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông. Tình trạng cán bộ, đảng viên điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia vẫn còn xảy ra. Theo thống kê, trong một năm thực hiện Chỉ thị số 10, Công an tỉnh đã gửi thông báo đối với 169 cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn.

Trong đó, có 10 trường hợp là cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an, 16 trường hợp thuộc các đơn vị quân đội. Các trường hợp vi phạm TTATGT đều được xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Còn trên phạm vi cả nước, trong năm 2023 và quý 1/2024, lực lượng công an đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xác minh gửi thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý đối với trên 7.600 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn tài xế điều khiển xe khách tại Bến xe phía Nam TP. Buôn Ma Thuột.

Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn đã chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân, chưa nhận thức đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT; thiếu gương mẫu trong việc nêu gương thực hiện các quy định của pháp luật của người cán bộ, đảng viên.

Mặt khác, thủ trưởng, lãnh đạo một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang chưa quan tâm trong quán triệt, tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm TTATGT; buông lỏng kỷ luật, kỷ cương, thiếu trách nhiệm trong quản lý cán bộ, bao che, không xử lý kỷ luật nghiêm túc, đúng quy định khi cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm để chấn chỉnh, nhắc nhở chung trong cơ quan, đơn vị.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Trước thực trạng trên đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Chỉ thị 35 nhấn mạnh, sẽ xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, đảng viên có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, đảng viên có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

Tại Đắk Lắk, nhiều kế hoạch, văn bản được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành chức năng đã ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định của Chính phủ về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm rõ và chấp hành quy định “đã uống rượu bia, không lái xe” cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện, lồng ghép vào nhiều chương trình, hoạt động.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn. Chỉ tính trong một năm thực hiện Chỉ thị số 10, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã lập biên bản 61.100 trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó có đến 19.097 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm hơn 31% số trường hợp vi phạm).

Tại cuộc họp sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cho rằng, việc gửi thông báo vi phạm giao thông về cơ quan, đơn vị, nhất là đối với hành vi nồng độ cồn của cán bộ, đảng viên là rất cần thiết, bảo đảm sự nghiêm minh, thể hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật” và bình đẳng trong xử lý vi phạm giao thông của lực lượng chức năng. Do đó, các cá nhân, tổ chức tác động (gọi điện, nhắn tin) để can thiệp, xin bỏ qua lỗi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.