Multimedia Đọc Báo in

Trợ giúp pháp lý:

Bảo đảm quyền công dân và bình đẳng trước pháp luật

06:41, 03/11/2024

Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Thời gian qua, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực khi đã giúp cho các đối tượng được TGPL và người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật. Từ đó, góp phần hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tháng 2/2024, TAND huyện Cư M’gar mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo L.V.T. (SN 2006) và bị cáo T.T.K. (SN 2006) cùng về tội buôn bán hàng cấm (pháo hoa nổ và pháo nổ). Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND huyện đề nghị mức án 12 – 15 tháng tù đối với bị cáo T.; 9 – 12 tháng tù đối với bị cáo K. Là người bảo vệ quyền và lợi ích cho hai bị cáo, các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu hoàn cảnh của các bị cáo, đồng thời nêu ra các tình tiết giảm nhẹ để bào chữa cho các bị cáo. Cụ thể: học vấn các bị cáo thấp (9/12); gia đình hoàn cảnh khó khăn, sinh sống tại khu vực biên giới (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước); xem xét giải quyết đối với người chưa thành niên phạm tội (thời điểm phạm tội - năm 2023, thì cả hai bị cáo mới hơn 17 tuổi)… Từ những quan điểm đúng quy định, tình tiết giảm nhẹ thuyết phục của các trợ giúp viên pháp lý đưa ra, qua xem xét toàn diện vụ án, hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo L.V.T. mức án 9 tháng tù; bị cáo T.T.K. mức án 6 tháng tù (thấp hơn mức án mà Viện KSND huyện đề nghị).

Trợ giúp viên pháp lý (giữa) tham gia tố tụng một vụ án hình sự.

Tháng 11/2023, chị N.T.T. (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) có đơn yêu cầu TGPL (với hình thức tham gia tố tụng) về việc ly hôn, nuôi con, chia tài sản chung với chồng của mình. Ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị T. Trong quá trình hòa giải, trợ giúp viên pháp lý đã giải thích quyền lợi cho các đương sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, pháp luật hôn nhân và gia đình; hướng dẫn giúp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản theo hướng có lợi cho người được TGPL; giúp người được TGPL bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm và được TAND huyện Buôn Đôn ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự.

 

Hầu hết các vụ việc TGPL khi được phân công cho trợ giúp viên pháp lý và luật sư tham gia đều đạt chất lượng, số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành tăng cao, đáp ứng yêu cầu các tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc do Bộ Tư pháp ban hành.

Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết, trung tâm hiện có 14 trợ giúp viên pháp lý (trong đó có 3 người đã hoàn thành lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý hạng II, 8 chuyên viên đã hoàn thành tập sự TGPL). Ngoài ra, trung tâm đã ký kết hợp đồng với 5 luật sư TGPL có bề dày kinh nghiệm và tâm huyết với hoạt động TGPL. Hầu hết các vụ việc TGPL khi được phân công cho trợ giúp viên pháp lý và luật sư tham gia đều đạt chất lượng, số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành tăng cao, đáp ứng yêu cầu các tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc do Bộ Tư pháp ban hành.

Ngay từ đầu mỗi năm, Trung tâm GPL nhà nước tỉnh tham mưu với Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh ban hành kế hoạch công tác phối hợp. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và số lượng vụ việc cần giải quyết, trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó chú trọng truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân; phân công trợ giúp viên tham gia TGPL cho các đối tượng bảo đảm đúng người, đúng việc; phân công trợ giúp viên bám nắm địa bàn, chủ động trong công tác phối hợp để đem lại hiệu quả tốt nhất trong công tác TGPL...

Đại diện Sở Tư pháp và Công an tỉnh ký kết Kế hoạch phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.

Trong năm 2023, trung tâm đã thụ lý và thực hiện 822 vụ việc TGPL cho 822 lượt người (tăng 4,2% so với năm 2022). Người TGPL đã thực hiện hoàn thành 438 vụ việc tham gia tố tụng; các trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện thành công, hiệu quả 210 vụ việc TGPL tham gia tố tụng tương ứng với 213 tiêu chí thành công trên tổng số 495 vụ việc tham gia tố tụng đã hoàn thành. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2024, trung tâm đã thụ lý và TGPL 327 vụ việc cho 327 lượt người (tư vấn tại trụ sở 7 vụ việc, TGPL tham gia tố tụng 279 vụ việc hình sự, 36 vụ việc dân sự, 5 vụ việc hành chính); tổ chức 16 lớp tập huấn điểm về tiếp cận TGPL cho già làng, trưởng buôn, cán bộ cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 860 người tham gia...

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.