Multimedia Đọc Báo in

Xây thế trận an ninh vững chắc từ cơ sở (Kỳ 2)

08:26, 17/12/2024

Kỳ 2: Sức mạnh từ “tai mắt” nhân dân

Bằng nhiều mô hình, cách làm phù hợp với từng địa bàn cơ sở, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã lan tỏa sâu rộng trên toàn tỉnh Đắk Lắk, huy động sức mạnh của người dân trong chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Bạn đồng hành từ “móc khóa an ninh”

Tại xã vùng III Yang Tao (huyện Lắk), 3 năm qua, những chiếc móc khóa an ninh có ý nghĩa đặc biệt trong việc chung tay bảo đảm an ninh trật tự (ANTT). Khoe chiếc móc khóa an ninh luôn mang theo bên mình, ông Y Ngọc Sruk (buôn Cuôr, xã Yang Tao) cho hay: “Nhờ nó mà chúng tôi có thể liên hệ ngay với công an khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ vi phạm pháp luật để chung tay giữ bình yên buôn làng!”.

Công an xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) đến nhà hướng dẫn người dân tham gia trang Zalo của công an xã.

Ông Y Ngọc kể, giữa năm 2023, một nhóm thanh thiếu niên của buôn tụ tập rú ga, nẹt pô, có biểu hiện đua xe trên Quốc lộ 27. Nhận thấy đây là hành vi nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông, ông và bà con trong buôn đã liên lạc ngay vào số điện thoại đường dây nóng của công an xã in trên móc khóa để trình báo. Ít phút sau, lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt để ngăn chặn hành vi đua xe trái phép, nắm bắt đối tượng để phối hợp gia đình nhắc nhở, răn đe, giáo dục tránh tái phạm.

Từ mô hình điểm do Công đoàn Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai, đến nay, lực lượng công an đã tặng cho người dân xã Yang Tao hơn 300 chiếc móc khóa an ninh. Trên mỗi chiếc móc khóa nhỏ gọn có in rõ số điện thoại trực ban và mã QR truy cập nhanh vào trang Zalo OA của công an xã, công an huyện.

Thiếu tá Êban Tuấn Đạt, Phó Trưởng Công an xã Yang Tao thông tin, thông qua mô hình “móc khóa an ninh” người dân đã cung cấp khoảng 300 tin báo đến lực lượng công an. Tất cả các nguồn tin được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, bảo đảm nguyên tắc giữ bí mật về người cung cấp và nội dung thông tin tố giác. Sau khi xác minh, giải quyết, lực lượng công an đều phản hồi kết quả đến cá nhân, tổ chức đã cung cấp thông tin, khích lệ người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động liên hệ với lực lượng công an để phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Những chiếc móc khóa an ninh đã trở thành công cụ trực quan để huy động sức mạnh “tai mắt” từ nhân dân, gắn kết chặt chẽ lực lượng công an với người dân trong bảo đảm ANTT.

“Cầu nối” từ Zalo an ninh

Địa bàn xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) trước đây khá phức tạp với các tệ nạn ma túy, trộm cắp. Việc thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác giữ gìn ANTT.

Điểm nổi bật là mô hình “Kết nối mạng xã hội Zalo - Bình yên cho mỗi gia đình” sau khi đi vào hoạt động đã trở thành "cầu nối" giữa cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng với người dân. Từ sự "kết nối" này, người dân đã cung cấp nhiều thông tin cho lực lượng công an về tệ nạn ma túy, trộm cắp, "tín dụng đen", trộm cắp tài sản, đánh bạc, phát tán thông tin sai sự thật… Cũng từ tin báo của người dân, lực lượng công an địa phương đã kịp thời nắm bắt đối tượng, vụ việc. Công tác điều tra, xử lý vì vậy cũng trở nên thuận lợi hơn.

Công an xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M'gar) ra quân trấn áp tội phạm.

Trung tá Nguyễn Thế Dương, Trưởng Công an xã Cư Dliê M’nông cho hay, mô hình “Kết nối Zalo an ninh - Bình yên cho mỗi gia đình” đã phát huy vai trò của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh mô hình này cũng giúp lực lượng công an ghi nhận, nắm bắt đầy đủ nhất tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Từ đó, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ngay từ cơ sở, không để phát sinh "điểm nóng", đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng công an trong tình hình mới.

Đồng hành vì bình yên, no ấm của buôn làng

Là xã mới thành lập năm 2008, xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT, nhất là tình hình tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép… Bên cạnh đó, do tỷ lệ đồng bào DTTS lên đến 80%, trình độ, hiểu biết của người dân hạn chế, địa phương cũng từng xảy ra các trường hợp tàng trữ trái phép chất ma túy, trồng cây có chứa chất ma túy…

Trước thực trạng trên, năm 2021, Đảng ủy Công an huyện Ea H’leo đã lựa chọn xã Ea Tir để xây dựng điểm mô hình “3 đồng hành” gồm: đồng hành cùng phát triển kinh tế, đồng hành trong công tác bảo đảm ANTT, đồng hành trong xây dựng đời sống văn hóa. Cầu nối sinh kế là 5 cặp dê giống tặng 5 hộ người DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua đó, lực lượng công an thường xuyên gặp gỡ, động viên người dân làm ăn, cải thiện đời sống, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật; đồng thời lắng nghe tâm tư từ cơ sở, động viên người dân tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền bảo vệ ANTT, giữ gìn cuộc sống bình yên ở buôn làng.

Gia đình chị Rmah H’Rin ở buôn Ea Tiêu (xã Ea Tir) là 1 trong 5 gia đình nhận dê của mô hình “3 đồng hành” vào năm 2021. Chị cho biết, từ 2 con dê giống ban đầu, nhờ chăm sóc tốt, gia đình chị đã phát triển lên 7 con. Năm 2023, vợ chồng chị bán đàn dê để lấy vốn đầu tư trồng chanh dây. Chính nhờ những thay đổi trong cách thức làm ăn và chịu khó tích lũy, giữa năm 2024, gia đình chị đã xây dựng được căn nhà mới khang trang với trị giá 350 triệu đồng. Không chỉ nêu gương trong phát triển kinh tế, chị còn trở thành cá nhân tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong dòng họ cùng chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo Thượng tá Phùng Minh Trí, Trưởng Công an huyện Ea H’leo, đến nay, Công an huyện Ea H’leo đã nhân rộng mô hình “3 đồng hành” ở các xã Ea Sol, Ea Hiao, Cư Amung… Từ tình cảm và sự gắn bó mật thiết với lực lượng công an, người dân đã tích cực, mạnh dạn cung cấp nhiều tin báo tố giác tội phạm, sẵn sàng hỗ trợ lực lượng chức năng trong xử lý nhiều vụ việc vi phạm về ANTT ở cơ sở cũng như xây dựng phòng tuyến vững chắc trên mặt trận tư tưởng.

Đại tá Lê Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh đánh giá, từ phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều mô hình hiệu quả như móc khóa an ninh, camera giám sát ANTT, tổ hòa giải, tổ tự quản, "3 đồng hành"... được xây dựng, nhân rộng với sự tham gia tích cực của người dân. Chính “tai mắt” của nhân dân là vũ khí sắc bén, giúp chính quyền cơ sở, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Năm 2024, công an các cấp của tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 3.358 buổi tuyên truyền, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với gần 900. 000  lượt người tham dự; 67 diễn đàn “Công an xã, thị trấn lắng nghe ý kiến nhân dân” với 7.987 lượt người dự; duy trì hoạt động của 59 loại mô hình với 1.026 điểm tại các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; xây dựng mới 21 mô hình, nhân rộng 12 loại mô hình...

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Vững "nền móng" từ an cư

 

Hương Xuân - Đinh Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Kiên quyết thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm 
Đắk Lắk có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Không chỉ gặp khó trong việc quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, tỉnh Đắk Lắk còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. ​​​​​​​