Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo chiếm dụng tài khoản qua video giả lập

08:01, 18/05/2025

Cộng đồng mạng xã hội vừa cảnh báo nguy cơ bị kẻ xấu chiếm đoạt các tài khoản qua liên kết mã xấu, với một hình thức mới: tạo video ghi lại hình ảnh người bị hại cùng gia đình, người thân, bằng cách sử dụng những phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều video “ghi lại các khoảnh khắc” của nhiều người dùng, thông qua những hình ảnh của chính người đó và gia đình, bạn hữu của mình. Kẻ xấu thông qua việc lưu giữ, theo dõi trang mạng xã hội của các cá nhân, sao chụp hình ảnh, video trên đó, rồi dùng phần mềm AI tạo các video, gửi cho chính họ.

Một chuyên gia phân tích AI chia sẻ, chiêu thức mới này, thật ra không khó áp dụng, thậm chí rất đơn giản: kẻ xấu chỉ cần ra lệnh cho AI sao chép những thông tin, dữ liệu người dùng, tự động tạo video và gắn mã độc vào đó. Khi video này xuất hiện trước mắt người dùng, kèm lời mời xem lại những khoảnh khắc cuộc sống của họ, người dùng rất dễ bị thu hút và bấm xem. Mã độc lập tức sẽ phát tác và sau đó chiếm dụng tài khoản, tấn công các tài khoản ngân hàng, tín dụng… khác. Đến khi người dùng phát hiện bị mất quyền truy cập thì mọi sự đã rồi…

Ảnh minh họa.

“Nếu trước đây, việc tấn công lừa đảo tài khoản mạng của người dùng thường xảy ra bằng cách giả lập một tài khoản tương tự, hay chiếm quyền kiểm soát tài khoản nạn nhân để nhắn tin lừa đảo thì việc sử dụng AI để tạo các video chủ động tấn công người dùng này tỏ ra tinh vi hơn. Thay vì để người dùng phát hiện ra mình bị mạo danh hay mất tài khoản, dễ có thái độ phòng bị thì kẻ xấu đơn giản đưa video có hình ảnh của họ ra. Tất nhiên ai cũng dễ dàng bấm xem video đó, vì tin cậy vào chính hình ảnh của mình. Những kẻ xấu sẽ khôn khéo, không lập tức tấn công ngay mà có thể để qua một thời gian sau, theo dõi tiếp và tìm hiểu đúng hơn các thông tin, mới chính thức chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản. Với cách tấn công này, nạn nhân hầu như không phát hiện ra, và nếu thấy tài khoản ngân hàng của mình bị tấn công, cũng ít khi hiểu ra mối họa nằm ở đâu”, chuyên gia công nghệ phân tích như vậy.

Các chuyên gia cảnh báo, đây là cách thức lừa đảo mới xuất hiện nên người dùng cần hết sức chú ý, đặc biệt là khi kẻ xấu sẽ có khả năng thực hiện các kỹ năng tinh vi hơn. Đơn cử, kẻ xấu có thể giả tạo những địa chỉ mang tên các hãng công nghệ như Samsung, Apple, hay các ngân hàng, tổ chức dịch vụ, để gửi các video lừa đảo cho nạn nhân vào đúng những dịp kỷ niệm như sinh nhật, ngày cưới, kèm các lời chúc… Đa số người dùng rất dễ tin tưởng vào các đường link đó để bấm vào xem, thậm chí lưu lại khi thấy đó đúng là video về hình ảnh của mình cùng người thân.

Rõ ràng với bối cảnh các ứng dụng AI ngày càng đa dạng hiện nay, khả năng giả lập các video ngày càng mở rộng. Kẻ xấu lừa đảo tất yếu sẽ lợi dụng những sơ hở trong tâm lý mỗi người, để tấn công bất ngờ bằng nhiều chiêu thức, thủ thuật khác nhau, ngày một tinh vi hơn.

Do đó, theo các chuyên gia công nghệ, người dùng hiện nay phải hết sức tỉnh táo, thận trọng trong mọi hành vi, thao tác trên mạng xã hội và sử dụng những tiện ích miễn phí từ công nghệ số. Lời khuyên cũ của các chuyên gia vẫn rất hữu dụng, là đừng tin tưởng bấm vào bất cứ đường dẫn nào mà không dừng lại cân nhắc, kiểm tra thông tin thật sự xác tín. Nếu không, rất có thể bạn sẽ là nạn nhân tiếp theo của những trò lừa đảo!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc