Multimedia Đọc Báo in

Đề án 06: Cắt giảm giấy tờ và chi phí cho người dân

06:20, 30/04/2023

Để tiến tới thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, giúp người dân rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi, Công an tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Trần Quang Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk chung quanh nội dung này.

Thượng tá Trần Quang Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk.

♦ Đề án 06 có những tiện ích gì và sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, tỉnh ta đã đạt kết quả như thế nào, thưa đồng chí?

Đề án 06 có 5 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Là cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ của Đề án; hình thành trên 2.300 tổ công tác từ cấp tỉnh đếp cấp xã thực hiện đề án; kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (DLQGDC) từ các bộ, ngành Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã. Đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống Cơ sở DLQGDC trên địa bàn.

Hiện nay, Công an tỉnh đã thu nhận được trên 2,1 triệu thông tin công dân vào hệ thống Cơ sở DLQGDC (đạt 99,5%); cấp trên 1,7 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp cho công dân (đạt 98%), đứng thứ 14 trên toàn quốc về hoàn thành chỉ tiêu thu nhận CCCD; trên 500.000 tài khoản định danh điện tử mức độ 1, 2; kết nối Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông của tỉnh với DLQGDC.

♦ Bên cạnh đẩy mạnh cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử cho người dân thì việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở DLQGDC với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác đã được Công an tỉnh triển khai như thế nào?

Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở DLQGDC với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: hộ tịch, bảo hiểm xã hội, y tế, đất đai cơ bản được thực hiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và cung cấp TTHC, dịch vụ công của các cơ quan chức năng. 

Để phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt là khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng từ ngày 31/12/2022 theo Luật Cư trú năm 2020, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối, chia sẻ chính thức dữ liệu giữa Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông của tỉnh (iGate) với hệ thống Cơ sở DLQGDC.

Công an tỉnh đang cung cấp TTHC trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an với 124 TTHC và dịch vụ công, thuộc 8 lĩnh vực: quản lý xuất nhập cảnh; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; quản lý ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; đăng ký, quản lý con dấu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; cấp, quản lý thẻ căn cước công dân; đăng ký, quản lý cư trú; phòng cháy, chữa cháy. Như vậy, người dân khi có nhu cầu giải quyết TTHC có thể truy cập vào Cổng dịch vụ công của Bộ Công an tại địa chỉ: https://dichvucong.bocongan.gov.vn/ để thực hiện.

Người dân TP. Buôn Ma Thuột làm thủ tục cấp căn cước công dân.

♦ Năm 2023 được xác định là năm trọng điểm trong xây dựng dữ liệu số, tạo bứt phá về chuyển đổi số toàn diện và các mục tiêu tầm nhìn năm 2030 của Đề án 06. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, Công an tỉnh đã xác định nhiệm vụ cụ thể và đặt ra yêu cầu cho lực lượng công an toàn tỉnh như thế nào, thưa đồng chí?

Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến ngày 20/6/2023 có 50% người dân trên địa bàn được cấp tài khoản định danh điện tử; cuối năm 2023, phấn đấu 100%  người dân được cấp tài khoản định danh điện tử.

Để đạt được yêu cầu đề ra, với vai trò là cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, Công an tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trên không gian mạng hoặc xuống trực tiếp từng hộ gia đình để tuyên truyền cho người dân hiểu về tiện ích của tài khoản định danh điện tử trong giải quyết TTHC; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản để hoàn hiện thể chế, có cơ sở pháp lý chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia; tham mưu ban hành các văn bản đảm bảo an toàn thông tin cá nhân cũng như Cơ sở DLQGDC, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chủ động tập hợp thông tin báo cáo, thường xuyên theo dõi sát sao để có cơ sở tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tập trung tối đa lực lượng và phương tiện, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch được giao.  

Việc cấp tài khoản định danh điện tử được thực hiện trên ứng dụng VNeID ở mức độ 1 và thực hiện trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp tỉnh, huyện ở mức độ 2. Cán bộ công an sẽ không gọi điện thoại yêu cầu công dân cung cấp thông tin bất kỳ loại giấy tờ nào qua điện thoại. Do đó, người dân cần đề phòng, nâng cao cảnh giác và không được cung cấp thông tin vì các đối tượng xấu thường lợi dụng vấn đề này để thu thập thông tin cá nhân nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nếu nhận được cuộc gọi yêu cầu đăng nhập vào đường link, cung cấp mã OTP hoặc thông tin bất kỳ loại giấy tờ nào, người dân cần gọi điện thoại đến Tổng đài 19000368 hoặc số điện thoại Công an tỉnh 02623. 838889 để phản ánh và được xử lý.

Xin cảm ơn đồng chí!

Như Quỳnh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.