Multimedia Đọc Báo in

Ngang qua thành phố cà phê

13:57, 28/04/2023

Như một tình cờ đưa đẩy, chúng tôi tổ chức hội lớp kỷ niệm 30 năm ra trường (đại học) vào dịp tháng 3 tại TP. Buôn Ma Thuột.

Hơn hai phần ba lớp có mặt đông đủ, từ mọi miền, cả từ nước ngoài về họp mặt. Khi máy bay chao cánh, hạ dần độ cao, nhiều người lần đầu đến cao nguyên đã ồ lên. Phía sau ô cửa kính, Buôn Ma Thuột hiện ra như một đô thị trẻ trung, xinh xắn lọt giữa trập trùng đồi núi và vườn rẫy xanh um màu cây trái. Ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ đến nỗi người bạn về từ nước Úc xa xôi thốt lên: “Buôn Ma Thuột đẹp quá, đẹp hơn cả những đô thị như Woodend ở Victoria, nơi có những ngọn đồi vây quanh…”.

Trung tâm  ngã Sáu Ban Mê. Ảnh: Hữu Nguyên
Trung tâm ngã 6 Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Nguyên

Chúng tôi đến TP. Buôn Ma Thuột sau Lễ hội Cà phê lần thứ 8 vài ngày. Vậy mà khi đặt chân đến thành phố, dư âm lễ hội vẫn như còn đọng lại trên nhiều ngõ phố, buôn làng. Từ sân bay, bến xe đến các tụ điểm vui chơi, giải trí, ở đâu cũng có những tốp người nhìn qua đã biết là du khách. Quá nhiều sắc màu, quá nhiều giọng nói những vùng miền. Gương mặt ai cũng hồ hởi, phấn khởi vì được đặt chân đến thành phố cao nguyên trong mùa “con ong đi lấy mật”. Một người em bạn tôi sinh sống ở Buôn Ma Thuột gần 20 năm nay hồ hởi kể: “Rất tiếc là anh không lên đúng dịp lễ. Em ở đây chưa thấy kỳ lễ hội hoành tráng như vậy. Nghe đâu, trong chỉ mấy ngày thôi, đã có 9 vạn du khách trong nước và 6.000 du khách ngoại quốc. Lễ hội có 18 chương trình chính thức với nhiều nội dung, có hơn 400 gian hàng đến từ hơn 160 đơn vị tham gia, trong đó có hàng chục gian hàng của doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt hơn cả là có khoảng 400 quán cà phê phục vụ miễn phí cho du khách…”.

Chỉ trong ba ngày ở lại với Buôn Ma Thuột, chúng tôi đi từ ấn tượng này đến ấn tượng khác. Được bạn bè chỉ dẫn, nơi chúng tôi “đóng quân” là Khu Du lịch buôn Akô Dhông. Có thể nói đây là khu du lịch thể hiện nét văn hóa bản địa đặc sắc với nét đan xen buôn và phố nhưng nghiêng về buôn nhiều hơn. Những ngôi nhà dài trầm mặc giữa vườn cây tỏa bóng mát, những chiếc cầu thang gỗ lên nước với thời gian, bên lề đường thi thoảng vài bà mẹ, cô gái bán hàng trong những chiếc gùi đan. Mặt hàng mua bán cũng là những sản vật địa phương như măng le, sầu riêng, ớt hiểm, cà đắng… Tất cả hòa thành một không gian vẫn buôn làng thôi nhưng lại có màu phố thị, phố thị đấy mà thanh bình như thể buôn làng đổ bóng xuống trăm năm.

Chúng tôi cũng có hai chuyến dã ngoại về Buôn Đôn và thác Dray Nur. Buôn Đôn với những truyền thuyết, huyền thoại về voi, nghề săn voi, các vị vua voi nhuốm màu huyền hoặc. Làng đảo nổi lên giữa một quãng sông luôn đầy ắp tiếng cười ngả nghiêng của du khách khi phải băng qua những chiếc cầu treo vắt vẻo. Tiếng nước chảy, tiếng gió đi qua những cánh rừng Yok Đôn đã làm vơi đi cái nắng tháng Ba và những giọt mồ hôi của du khách sau chặng đường dài. Cũng như Buôn Đôn, thác Dray Nur với vẻ đẹp sông nước hoang dã, thác chảy ầm ào xuyên giữa đại ngàn thâm u như là hình ảnh thu nhỏ của một Tây Nguyên trong các sử thi truyền đời. Đó còn chưa kể đến trên đường từ thác Dray Nur trở về TP. Buôn Ma Thuột, du khách được “khuyến mãi” những vườn cà phê hoa nở tràn ngập trắng như bông tuyết. Từng đoàn du khách chen nhau chụp ảnh bên những chùm hoa cà phê tỏa hương ngào ngạt càng cho thấy sự quyến rũ của xứ sở được mệnh danh “Vương quốc cà phê”.

Đêm cuối cùng ở lại Buôn Ma Thuột, chúng tôi liên hoan tại Khu Du lịch buôn Akô Dhông, giữa một thung lũng có suối chảy và cỏ hoa với những ngôi nhà dài dọc theo bãi cỏ xanh dịu mát. Bên ché rượu cần đượm thơm mùi lá rừng là những món ăn như cơm lam, gà nướng, cá suối, rau rừng, cà đắng. Độc đáo nhất là các loại muối chấm, từ muối giã với ớt rừng đến muối giã với các loại lá rừng khác nhau, có cả muối trứng kiến và các loại muối khác mà chúng tôi không kịp nhớ tên. Trong tiệc liên hoan, chúng tôi còn được thưởng thức giai điệu cồng chiêng, và những vòng xoang cứ thế mở ra bên ngọn lửa hồng reo vui.

Vui quá, cô bạn Thu Đông đến từ nước Úc xa xôi cất tiếng hát, những ca khúc nối nhau, từ “Ngọn lửa cao nguyên” đến “Còn yêu nhau về Buôn Ma Thuột”, rồi cuối cùng là “Vòng tay cầu hôn”. Tôi ghé tai cô bạn nói đùa: cầu hôn với ai nữa đây? Cô bạn cười đáp, thì kết hôn với cao nguyên, với thành phố cà phê chớ còn ai nữa. Chắc hẳn là vậy, vì trên chuyến bay tạm biệt thành phố cao nguyên, tôi nhìn thấy trong hành lý mang theo của Thu Đông có rất nhiều gói cà phê của các thương hiệu cà phê nổi tiếng ở Đắk Lắk. Bỗng dưng tôi lan man nghĩ, chắc hẳn khi chia tay nơi này, cô bạn đã để lại trong tim mình lời hẹn thầm sẽ quay trở lại. Và như thế, những gói cà phê thơm ngát kia, trong hành lý của Thu Đông, từ nơi này ra với thế giới sẽ góp phần nho nhỏ vào hành trình làm nên thương hiệu của TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung: “Điểm đến của cà phê thế giới”.

Ghi chép của Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.