Multimedia Đọc Báo in

Nam Lào ký sự (bài 2)

07:59, 18/06/2023

Bài 2: Wat Phou huyền bí

Tôi chọn Wat Phou vì đây là điểm du lịch quá ư nổi tiếng ở Lào. Giở bất cứ cuốn sách du lịch nào hoặc đọc bất cứ bài viết của các “phượt thủ” trên mạng đều bắt gặp địa danh này. Wat Phou (đọc là Goát Phu) là tên một di tích kiến trúc - lịch sử - tôn giáo được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2001. Tuy nổi tiếng nhưng cũng không ít người nhầm lẫn, gọi là chùa Wat Phou. Kỳ thực Wat Phou buổi đầu không phải là chùa mà là đền, trong tiếng Lào dịch ra là Đền thờ Núi. Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ năm và là trung tâm tôn giáo của đạo Hindu thờ thần Shiva, tiếp đó là thờ thần Badhecvara. Đến chừng thế kỷ 13, khi Phật giáo trở thành quốc giáo ở xứ sở này thì đền Wat Phou trở thành đền thờ Phật và phật tử xem ngôi đền này là chùa.

Khởi hành sáng sớm từ Pakse, khoảng một giờ sau, người bạn Lào gốc Việt tên là BuonThong Phounsavat đưa tôi và đoàn đến Wat Phou. Điểm du lịch nổi tiếng này cách Pakse chưa đến 50 km. Từ xa, chưa nhìn thấy Wat Phou chúng tôi đã thấy đỉnh núi Phou Khao (núi Voi) nổi bật trên nền trời nắng gắt. Nơi đây vẫn thuộc tỉnh Champasak và cách dòng sông Mekong chừng hơn 5 km. Đường dẫn vào đền lát đá, hai bên là hai hàng trụ linga sừng sững. Trên một quảng trường rộng phía trước đền chính có hai tòa thành nằm hai bên, dù đổ nát nhưng cũng đủ cho du khách hình dung sự kỳ vĩ, đồ sộ của công trình kiến trúc này cả nghìn năm trước.

Ngôi đền chính Wat Phou ngàn năm tuổi.

Nhà thơ Trần Tuấn đồng hành với tôi trong chuyến “phượt” này kể rằng lần đầu tiên đến đây anh đã choáng ngợp và sau đó đã viết bút ký “Tìm dấu chân Phật bên bờ Mekong”. Trong bút ký này có đoạn anh viết: “Tới nay, người ta vẫn không hiểu bằng cách nào từ hàng ngàn năm trước, những phiến đá khổng lồ kia lại có thể đưa lên tới lưng chừng núi sắp xếp thành đền đài kỳ vĩ đến vậy...”. Quả thật, ngay cả tôi từng sững sờ trước Angko Wat, Angko Thom (Campuchia) hay Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng, Lào) vẫn không thể không trầm trồ trước kiến trúc đồ sộ và vẻ huyền bí của Wat Phou.

Con đường dẫn lên đền chính (còn gọi là đền Thượng) có bảy tầng nối tiếp nhau, mỗi tầng có mười một bậc đá, tổng cộng có bảy mươi bảy bậc thềm. Các bậc thềm cách nhau khá cao chừng 40 - 50 phân và các bậc thềm khá hẹp, dù bước lên hay bước xuống du khách cũng phải nghiêng thân mình mới đặt được bàn chân. Như nhà thơ Trần Tuấn nói, có lẽ đây là cách mà người xưa, những tín đồ khi hành hương chốn này không bao giờ quay lưng với Phật, với các vị thần.

Nói đến hành hương, Buonthong kể, rằm tháng ba hằng năm tại Wat Phou có tổ chức Lễ hội Phật giáo vùng Nam Lào, lớn nhất trong các lễ hội ở Lào. Lễ kéo dài trong ba ngày, không chỉ người dân Lào mà người dân vùng đông bắc Thái Lan, Campuchia lân cận cũng về đây hương khói. Ngay trong buổi sáng tôi đến, trên đoạn giữa của bảy mươi bảy bậc thềm dẫn lên đền Thượng có hai nhà sư Nam tông người Campuchia đang đi xuống. Họ chào chúng tôi với nụ cười an nhiên, viên mãn, như thể đã chứng ngộ trên đường hành hương.

Khu đền Thượng của Wat Phou khá rộng, dù đổ nát nhưng bên trong vẫn còn nguyên các tượng thờ với nét điêu khắc pha trộn giữa Phật giáo và đạo Hindu. Vẫn chưa hết những khám phá huyền bí. Phía sau đền Thượng còn một lối đi nữa, và cũng đúng bảy bậc thềm nữa là bắt gặp dòng cam lồ chảy ra từ suối Phật. Bên dưới tảng đá lớn, dòng nước được dẫn ra từ đâu đó trên đỉnh Phou Khao chảy vào một bệ đá mang hình dáng linga và yoni. Du khách và người hành hương đến đây, tất thảy đều ghé vào hứng lấy những giọt cam lồ để uống, để xoa lên mặt và châu thân. Buonthong nói, người Lào tin rằng ai đến Wat Phou, uống nước này, rửa mặt tại đây suốt đời gặp may mắn, tránh được mọi phiền nhiễu, ô trọc.

77 bậc thang dẫn lên đền Wat Phou.

Từ dòng nước của suối Phật lại có thêm một lối đi, và cũng thêm đúng bảy bậc thềm nữa là du khách được chiêm ngưỡng dấu tích “Bàn chân Phật”. Trên một vách đá lớn của núi Phou Khao có hình bàn chân khổng lồ lõm vào. Cũng như ở suối Phật, khách hành hương từng người lần lượt đến đây, khấu đầu chạm tay vào dấu chân Phật để cầu mong may mắn trong đời.

Trong thâm u, huyền bí của Wat Phou ngàn năm tuổi, sẽ phải kể thêm những vòm cây xanh trầm lặng, tỏa bóng. Lưng chừng núi Phou Khao dọc hai bên các bậc thềm dẫn lên đền Thượng là những cây xếp vào hàng đại thụ. Xen giữa những gốc cây đại một người ôm không xuể, hoa trắng nổi bật trên nền lá xanh thẫm, hương thơm thoảng theo gió là những cây bồ đề, cây si buông từng chùm rễ cổ kính, là những cây xoài mút trái nhiều vô kể, chỉ một làn gió thoảng qua là nghe tiếng những trái xoài mút chín tới rơi trên thềm đá.

Chiêm ngưỡng Wat Phou, tôi bỗng nhớ về ngôi cổ tháp Yang Prong tọa lạc ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Tôi đã từng hơn một lần đến đây và lòng không khỏi ngạc nhiên. Ngôi tháp Chăm có tên tháp “Rừng xanh” này nằm cô độc giữa rừng, khác hẳn những quần thể tháp Chăm ở dọc dài duyên hải miền Trung. Dù không kỳ vĩ như Wat Phou nhưng Yang Prong cũng có tuổi đời tính bằng hàng thế kỷ. Và thêm chút nghĩ ngợi, biết đâu sau này, các nhà khảo cổ, dân tộc học… sẽ làm sống lại một di tích Yang Prong để người đời sau nhắc nhớ.

Tạm biệt Wat Phou, di sản nhân loại, lòng tôi rung lên một hoài cảm. Nghĩ về những bậc đá rêu phong ngàn năm, những tượng thần lặng im hàng thế kỷ, những áng mây như hóa thạch trên đỉnh Phou Khao mới hay con người vừa nhỏ bé nhưng cũng rất vĩ đại trong thế giới này. Từ xa xưa, cổ nhân đã biết họ từ đâu đến, sẽ đi về đâu và để lại những gì trên mặt đất bao la.

Và bỗng nhiên lòng thấy yêu mến hơn nước bạn Lào, người dân Lào, một quốc gia lân bang núi liền núi, sông liền sông với Tổ quốc Việt Nam của tôi.

Đón đọc bài 3: Thao thức Si Phan Đon

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.