Ấn tượng đất và người Churu
Lần trước, khi đến plei (làng) Ma Bó, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), tôi đã mê đắm văn hóa đồng bào Churu với những câu chuyện huyền thoại, tiếng cồng chiêng, những vũ điệu tămya…
Và đặc biệt ấn tượng với Ma Thuận - một người con của dân tộc Churu yêu say đắm những giá trị di sản tộc người Churu của mình.
Ma Thuận kể, từ thuở ấu thơ, tiếng ru của mẹ, lời dạy của cha về quê hương, về tộc người đã thấm sâu trong con người chị để không biết từ bao giờ, chị đã yêu tha thiết đất và người nơi này. Bởi vậy, Ma Thuận đã quyết định theo học ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Chị cùng những người trẻ ở Đa Quyn, ở plei Ma Bó tự nhận trách nhiệm kế thừa, "truyền lửa"; xem bảo tồn các giá trị văn hóa là sứ mệnh.
Chị Ma Thuận và chiếc gùi của nghệ nhân Ya Tim. |
Tại xã Đa Quyn, chị Ma Thuận được biết đến với vai trò Phó Chủ tịch Hội LHPN xã. Tuy không gắn liền với vị trí công tác nhưng với những kiến thức từ giảng đường đại học hòa quyện trong niềm tự hào, chị thường xuyên nắm vai trò cốt cán trong công việc bảo tồn văn hóa; tập hợp, tổ chức, động viên những người trẻ bảo tồn di sản. Chị bộc bạch: “Những người am hiểu nhất về văn hóa truyền thống địa phương là các già làng, nghệ nhân. Hiện nay, hầu hết các ông bà đều đã tuổi cao, sức yếu, nếu không tổ chức để họ truyền dạy kịp thời, sự mai một văn hóa sẽ dần hiển lộ”. Cũng chính vì sự lo lắng như vậy, chị đã dành nhiều thời gian, sức lực để tiếp xúc, học hỏi trực tiếp từ các già làng, nghệ nhân; đồng thời sử dụng những kiến thức đã lĩnh hội được, chị Thuận đã thực hiện nhiều cách làm tạo nên sự ảnh hưởng, khơi gợi tình yêu, niềm tự hào dân tộc đối với đồng bào, nhất là lớp trẻ nơi đây…
Lần này trở lại Ma Bó, tôi lại được “trở về” theo dòng cảm xúc cùng chị Ma Thuận; được hòa mình với thiên nhiên hữu tình, được quan sát nghệ nhân Ya Tim, Ya Bọ say sưa đan gùi, tấu chiêng trong không gian núi rừng hùng vĩ...
Dưới cái nắng, cái gió của xứ sở đại ngàn, tôi và chị Ma Thuận đi thăm từng nhà, hỏi chuyện từng người. “Dạo này cuộc sống bà con thế nào? Cháu mới đi công tác về, nay mới có dịp ghé thăm!…”, chị Ma Thuận cất tiếng. Đáp lời chị là những người bà, người mẹ địu con, địu cháu trên lưng. Tuy không am hiểu ngôn ngữ bản địa, tôi vẫn có thể cảm nhận được mối thân tình và xúc cảm mà mọi người dành cho các giá trị truyền thống và tình yêu dành cho vùng đất nơi họ sinh ra và gắn bó từ đời này sang đời khác. Giữa không gian chủ khách hòa làm một, tôi như quên mất bản thân mình chỉ là một lữ khách may mắn được ghé thăm nơi chốn thân thương này.
Chị Ma Thuận (bìa trái) trò chuyện với bà con Ma Bó. |
“Thương lắm!...”, chị Ma Thuận nói khi đến làng cũ, chốn sinh sống của những hộ gia đình xa nhất, còn khó khăn nhất của plei Ma Bó, nơi mà điện thoại của tôi không thể bắt sóng. Cuộc sống hiện đại dường như không ảnh hưởng nhiều đến những người dân nơi này. Họ trồng trỉa cây trồng, hòa mình với thiên nhiên, họ nghe tiếng suối chảy, du dương khúc hát với gió núi, mưa rừng. Có thể cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng dõi theo những ánh mắt ấy, những câu chuyện ấy, tôi cảm nhận như cuộc sống của họ đã rất đủ đầy. Tự do phiêu bồng giữa sơn nguyên bao la, những người con của núi luôn nở tươi nụ cười hạnh phúc. Những đứa trẻ Churu hồn nhiên nói với tôi: “Chúng em rất thích ở đây! Xa xe cộ ồn ào, xa những nhà máy khói bụi, chúng em có cỏ cây, sông suối. Nóng thì tắm suối, lạnh thì nhóm lửa, ôm nhau truyền hơi ấm…”. Tôi chợt nghĩ, người dân Churu plei Ma Bó sinh ra từ núi, lớn lên từ rừng, chừng nào tiếng mẹ đẻ vẫn được nói cùng nhau, chừng nào những nhịp dân vũ, những làn điệu dân ca còn cất lên trong những đêm rừng, thì họ vẫn là những con người ngập tràn hạnh phúc!
“Em sẽ trở lại!”, tôi nói với chị Ma Thuận lúc chia tay. Tôi sẽ về thăm lại chị, thăm lại buôn làng. Tôi sẽ trở lại nơi này để được gặp lại những con người thật thà, dễ mến, những nét văn hóa đặc trưng mà khó tìm ở nơi nào khác. Dù chỉ là một lữ khách từ đường xa tới, tôi đã thấy yêu lắm mảnh đất này!
Uông Thái Cát Tường
Ý kiến bạn đọc