Multimedia Đọc Báo in

Nghiệp trà ở vùng đất Nam Tây Nguyên

16:00, 02/12/2024

Qua đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), ngắm nhìn những nương chè tiếp nối nhau trải dài, xanh ngút mắt, trong lòng cứ miên man về những biến dịch qua tháng qua năm của vùng đất bazan, về thân phận những nông phu, và cả nghiệp làm chè của những ông chủ đồn điền, của các danh trà qua nhiều thế hệ.

Số phận của cây chè trên đất Lâm Đồng cũng đi qua thời gian, bước theo nhịp chân lịch sử. Cây chè vẫn hồn nhiên sinh sôi nảy nở, suy thoái và phát triển ngay bên cạnh từng số phận con người trên vùng đất cao nguyên.

Lịch sử canh nông ở địa phương viết rằng, cây chè xuất hiện đầu tiên trên đất Lâm Đồng là vào đầu năm 1927. Người có công du nhập cây chè và nghề làm trà là một công dân người Pháp tên là Romoeville.

Từ thời điểm này, cây chè bắt đầu được trồng ở vùng Cầu Đất - Đà Lạt, nơi đóng Sở trà do công ty trồng trọt nhiệt đới của người Pháp lập ra. Trong chương trình khai thác thuộc địa, từ năm 1925 đến 1939, Khâm sứ Trung kỳ đã ráo riết triển khai thực hiện nghị định về việc chuyển nhượng đất ruộng rẫy của đồng bào thiểu số, đó là cách hợp thức hóa việc chiếm đất của người Thượng trên cao nguyên Trung phần.

Cùng với việc đất đai của đồng bào bị cướp trắng là 500.000 ha đồn điền, nông trại của các ông chủ Pháp và Nam Triều cũng ra đời từ thời điểm đó. Đến năm 1954, ở Đồng Nai Thượng đã có tới 409 đồn điền lớn nhỏ, phần lớn là trồng trà và cà phê. Càng ngày, cây chè càng chứng tỏ được sự thích nghi với môi trường sinh thái ở vùng đất mới này. Do vậy, Nha Khảo sát canh nông Đông Dương đã có nhiều nghiên cứu và hỗ trợ cho việc phát triển diện tích chè trên xứ sở mà nhà bác học người Pháp A.Yersin có công “khai phá”.

Mất đất, người dân bản xứ trở thành những người nông phu rẻ mạt trong các đồn điền. Với học phí trả bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương, họ đã học từ các ông chủ của mình nghề canh tác và chế biến trà. Nghiệp trà ở đất bazan ra đời trong dòng chảy lịch sử ngập đầy cả hương vị ngọt bùi lẫn cay đắng…

* * *

Cổng vào Sở trà Cầu Đất (Đà Lạt). Ảnh tư liệu

Từ vùng Cầu Đất trên độ cao 1.000 m, theo quá trình hình thành và phát triển, theo nhu cầu khai thác đất đai và nhân công bản xứ của giới chủ người Pháp mà cây chè lan dài xuống vùng Bảo Lộc, Di Linh theo lộ trình mới mở của con đường từ Đà Lạt đi Sài Gòn những năm 1930. Chè bắt đầu làm quen với đất B’Lao (tức Bảo Lộc ngày nay) từ các đồn điền của các ông chủ Tây dương như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierré… rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, các rẫy chè, vườn chè của các hộ gia đình. Từ đó, ở vùng đất này đã xuất hiện một tầng lớp cư dân đông đảo chuyên sống bằng nghề canh tác hoặc chế biến trà hương. Một thế giới riêng của những người làm trà trên đất bazan đã khai mở từ hơn 100 năm trước.

Ngay từ những ngày đầu dựng nghiệp trà trên quê hương mình, những người làm trà ở vùng đất này đã chọn ngay địa danh B’Lao để đặt tên cho sản phẩm của họ. Nhờ tiếng tăm đã được khẳng định của “thương hiệu trà B’Lao” mà các danh trà sau này, ngoài tên gọi cơ sở sản xuất đều dùng thêm chữ “trà B’Lao” trên bao bì sản phẩm, cho dù danh trà của họ có nổi tiếng đến mấy. Đó có thể là danh trà Quốc Thái, Đỗ Hữu, Trâm Anh, hay Rồng Vàng, Thiên Thành, Ngọc Trang… “Nếu không ghi chữ B’Lao vào bao bì thì sản phẩm như mất đi phần bản sắc quan trọng nhất và rất khó tiêu thụ”, chủ một danh trà đã khẳng định như thế. Điều đó minh chứng thêm cho sự hòa quyện máu thịt giữa con người, xứ sở và sản phẩm ra đời trên miền đất ấy.

Một lý do quan trọng khác là trà B’Lao mang dấu ấn đặc trưng riêng trong phong vị đã từng chinh phục thói quen thưởng trà của người “Đàng Trong”. Ở xứ “Đàng Ngoài” có trà Thái Nguyên nức tiếng từ lâu đời. “Gu” của khách sành trà mỗi miền khác nhau nên cách sao chế cũng không giống nhau. Trà Thái Nguyên thường sao suốt và không ướp hương. Còn trà B’Lao thì chè búp tươi được luộc qua, ép bớt nước đắng rồi mới sao khô, ướp hương, đóng gói. Hương ướp trà ở B’Lao chủ yếu là hoa sói, hoa nhài. Đặc biệt, loài hoa sói rất thích hợp với khí hậu Bảo Lộc. Hạt hoa sói nhỏ, trắng xanh như hạt gạo nếp và hương của nó rất “ăn” với cành trà. Do cách sao tẩm, chế biến khác nhau nên trà B’Lao có vị ngọt và thơm chứ không đậm chát như trà Thái Nguyên.

Nghề làm trà ở cao nguyên B’Lao đã thành nghiệp cha truyền con nối. Những ông chủ của thế hệ đầu tiên của các danh trà nổi tiếng trên xứ sở này hầu như đã về với đất. Vẫn là những tên gọi cũ nhưng những người kế nghiệp đã sang đến đời thứ ba, thứ tư. Ở Bảo Lộc, chục năm lại đây xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp - doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến làm trà. Họ là những ông chủ Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đến thuê đất đai, nhân công và trồng chè để làm giàu và họ đã giàu nhanh chóng. Hơn 1.000 cơ sở sản xuất chế biến trà lớn nhỏ là con số thống kê ở “đô thị trà” Bảo Lộc.

Trà B’Lao không chỉ là sản phẩm nội tiêu mà đã tỏa hương ở nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, người dân địa phương và khách thưởng lãm trà nhiều miền khi nhắc đến trà B’Lao thì trong tâm tưởng của họ bao giờ cũng hiện lên hình ảnh những trang trại trà, xưởng trà, phố trà danh tiếng đã xuất hiện từ mấy mươi năm trước. Những tên gọi thân thuộc gắn với những ông chủ trà xuất thân là những người phu đồn điền từ thuở nước nhà còn dưới ách nô dịch. Họ được coi là tiền bối trong công cuộc dựng nghiệp trà trên cao nguyên miền Thượng…

* * *

Trên cánh đồng chè Bảo Lộc.

Theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam, tính đến năm 2024, trong số 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích trên 123.000 ha trong cả nước thì Lâm Đồng được xác định là vựa trà Việt Nam. Với diện tích gần 26.000 ha, sản lượng trên 182.000 tấn, chè Lâm Đồng chiếm 21% diện tích và 27% sản lượng chè toàn quốc. Hàng trăm doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến chè tại tỉnh với công suất 150.000 tấn chè búp tươi hằng năm. Đó là những con số để góp phần khẳng định rằng, chuyện làm chè ở Lâm Đồng là chuyện lớn và cây chè được coi là cây trồng chủ lực của địa phương.

Gần một thế kỷ trước, khi đưa giống trà Shan vào canh tác thử nghiệm trên cao nguyên Cầu Đất, có lẽ ông Romoeville cũng không dám nghĩ rằng loại trà này lại trường thọ đến vậy, và chắc ông cũng không nghĩ rằng nghiệp trà ở xứ sở này lại phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Dù sao thì những người tiếp nối nghiệp trà ở đất Lâm Đồng cũng gửi lời cảm ơn ông. Người đã chọn, đất đã ưa thì cây trái cứ hồn nhiên sinh tồn và phát triển, dù trang sử của mỗi quốc gia hay thân phận của mỗi con người có lúc thịnh lúc suy.

Uông Thái Biểu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.