Multimedia Đọc Báo in

Khởi động và hy vọng từ biên cương phía Bắc…

08:13, 28/03/2025

1. Rất nhiều lần lên với Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), ngồi dưới chân cột cờ cực Bắc, nghe lá cờ đỏ sao vàng lộng thổi trên đầu, bất giác trong tôi hình dung rõ ràng hình thế biên cương Tổ quốc.

Và lần nào cũng thế, một xúc cảm lạ kỳ dâng lên trong lòng: Trên bản đồ, tuyến biên giới phía Bắc từ A Pa Chải (Điện Biên) đến Trà Cổ (Quảng Ninh) như một cánh cung cong hướng lên phía Bắc mà Lũng Cú là tâm điểm để đặt vào đó mũi tên vệ quốc. Hình hài của mũi tên vệ quốc ấy của hôm nay chính là cột cờ cực Bắc vút thẳng lên trời xanh và lá cờ đỏ sao vàng như cánh buồm đỏ thắm phần phật reo trong gió sớm.

Đang là mùa hoa đào, hoa mận cũng là mùa nhắc nhớ về cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc tròn 46 năm trước. Dường như mùa xuân này, những con đường ngược lên ải Bắc du khách đông đúc hơn, đâu chỉ là chuyến du xuân, đây còn là cuộc hành hương tưởng vọng những người đã nằm lại trên dặm dài biên cương Tổ quốc. Nhiều người nói rằng nghĩa tình biên giới năm nay đã được “kích hoạt” từ hình ảnh Tổng Bí thư Tô Lâm thành kính dâng hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang), nơi an nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên từ 1979 đến 1989. Chuyến đi dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổng Bí thư Tô Lâm thực sự tạo nên một xúc cảm tích cực trong lòng người dân Việt Nam đúng vào kỷ niệm 46 năm cuộc chiến tranh vệ quốc ấy.

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) tháng 2/2025. Ảnh: Báo Hà Giang

Nhiều lần lên với Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, chúng tôi đã chứng kiến nghĩa trang đang được đầu tư mở rộng gấp 6 lần (từ 2 ha lên gần 12 ha). Nên chăng xây ngay một Bảo tàng Chiến tranh biên giới 1979 - 1989 ở khu vực này, nếu không làm nhanh sẽ có rất nhiều chứng tích, chứng nhân không còn vì đã 46 năm trôi qua.

Cũng nên xây dựng một “Vườn cây 79 - 89 ” tưởng niệm 10 năm chiến tranh biên giới trong khuôn viên nghĩa trang; có thể chia làm hai cụm, cụm 79 cây và cụm kia 89 cây xanh, do các tỉnh thành trên cả nước cùng góp sức. Mỗi địa phương sẽ trồng một hay vài cây cổ thụ đặc trưng của quê hương, để các liệt sĩ xa cố hương có thể nương trong bóng cây mà gặp được quê nhà.

Với quy mô hiện có, Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên xứng đáng trở thành nghĩa trang liệt sĩ quốc gia. Và Hà Giang, miền đất địa đầu cực Bắc cũng xứng đáng được xây dựng trở thành điểm hành hương tri ân vào mỗi tháng Hai như Điện Biên vào mỗi tháng Năm và Quảng Trị vào mỗi tháng Bảy.

2. Đã gắn bó rất nhiều năm với những bản làng dọc dài theo biên cương phía Bắc, chứng kiến những hy sinh vô bờ của người dân ở đây, chúng tôi càng thấm thía những gian khó mà người dân biên ải vẫn ngày ngày đối mặt. Dù những năm qua, Đảng và Nhà nước rất nỗ lực đầu tư cho nhân dân biên giới, cải thiện phần nào đời sống, sinh kế… nhưng để thực sự “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, sau mỗi lần lên với biên cương, khi trở về, chúng tôi lại thấy trĩu lòng vì những khắc khoải khôn nguôi trên dặm dài ải Bắc.

Nhiều thế hệ người dân nơi đây đã làm những cột mốc sống nơi biên cương, chính họ là người sẵn sàng lấy sinh mạng của mình để giữ gìn bờ cõi ông cha để lại. Có lên với biên cương, vào những nhà bia ghi danh liệt sĩ, bạn sẽ thấy trên những tấm bia rất nhiều liệt sĩ mang họ Giàng, họ Sùng, họ Nông, họ Mùa, họ Lò… - những dòng họ định danh từ ở biên ải, ngã xuống nơi biên ải cho phía sau họ là hậu phương, là chúng ta được sống bình yên, bởi chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Để gìn giữ sự thiêng liêng đó, hơn 40 thế kỷ qua máu của hàng triệu người Việt đã đổ xuống.

Đã có bao người ngã xuống để bảo vệ dải đất biên cương tươi đẹp này.

Mừng vui bởi những nghĩa trang  liệt sĩ dọc biên ải đã được tôn tạo, trùng tu khang trang nhưng cũng từ cực Bắc, từ Hà Giang, Vị Xuyên, A Pa Chải, A Mú Sung đến Pò Hèn, Trà Cổ còn rất nhiều nhà bia ở các bản làng vẫn hoang sơ trong lau cỏ, còn bao nhiêu nữa những mộ phần hoang lạnh lưng đồi. Sao không bắt đầu từ mùa xuân này để khởi động rộng rãi cho hành trình mùa xuân biên ải, để tưởng niệm những người lính nằm lại trong cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc một cách toàn diện hơn, thấu suốt hơn, để đến và sẻ chia cùng những người dân bao đời là cột mốc sống của biên cương? Hãy dành những ngày xuân, cùng với việc đi lễ đình chùa miếu mạo cũng nên hành hương về biên ải phía Bắc để tri ân người ngã xuống cho chủ quyền Tổ quốc.

Trong chuyến dâng hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm còn có hai Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an, chắc chắn câu chuyện về biên giới và cuộc chiến tranh bom đạn 1979, kéo dài đến 1989 (tròn 10 năm) và kết thúc ở Vị Xuyên sẽ được tuyên truyền sâu sắc và rộng rãi hơn!

Một nhà nghiên cứu lịch sử, khi nói về chiến tranh biên giới phía Bắc đã nhận định vô cùng xác đáng: “Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay. Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: Cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau”.

Biên cương, từ mùa xuân này đang có những khởi động mới. Khởi động và hy vọng!

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


(Video) Kiên quyết thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm 
Đắk Lắk có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Không chỉ gặp khó trong việc quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, tỉnh Đắk Lắk còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. ​​​​​​​